Công điện cho biết, nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhưng tiến độ triển khai ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn rất chậm.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu thủ trưởng cơ quan Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh khẩn trương lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, các tầng lớp nhân dân...
Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao tổ chức đoàn công tác đôn đốc việc này; thường xuyên báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về tiến độ. Bộ sẽ tập trung nguồn lực giải trình ý kiến tiếp thu của nhân dân.
Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc lấy ý kiến sửa đổi Luật Đất đai bắt đầu từ 3/1 đến hết 15/3. Người dân trong và ngoài nước đều có thể góp ý kiến sửa đổi luật. Các góp ý phải được tập hợp đầy đủ, chính xác và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo luật.
Nội dung lấy ý kiến nhân dân tập trung vào nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; trường hợp, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất; việc lập và thực hiện khu tái định cư; hình thức lấy ý kiến và trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình khi làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, nguyên tắc áp dụng pháp luật; quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu về đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; đăng ký, cấp giấy chứng nhận đất đai... cũng được lấy ý kiến.
Người dân nếu góp ý trực tiếp bằng văn bản thì thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm; cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện thông tin đại chúng...
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp 4, diễn ra vào tháng 10/2022 và được xem xét thông qua theo quy trình ba kỳ họp.