Ngày 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Dự thảo Luật quy định, cán bộ sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có vi phạm trong thời gian công tác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật: Khiển trách; cảnh cáo; xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm vi phạm.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân được lấy ý kiến đều nhất trí với việc bổ sung quy định trên. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về hệ quả pháp lý của việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm của cán bộ, vậy những văn bản, quyết định mà người này đã ký còn hiệu lực hay không...
"Do đây là hình thức kỷ luật mới, diện áp dụng tương đối rộng nên thực tế có thể phát sinh một số vấn đề pháp lý khác nhau. Vì vậy, những nội dung này Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép quy định chi tiết ở nghị định", ông Tân nói.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nói cơ quan này tán thành sự cần thiết phải bổ sung trong dự thảo Luật quy định trên để thể chế hóa yêu cầu của Trung ương cũng như đáp ứng đòi hỏi thực tiễn.
Tuy nhiên, để thể hiện rõ hơn vấn đề này trong dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật đề nghị tách nội dung trên thành điều riêng quy định theo hướng: Cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật.
Cũng theo Ủy ban Pháp luật, cần quy định rõ, nếu cán bộ, công chức gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật...
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga góp ý, với người đã nghỉ hưu, pháp luật hiện hành điều chỉnh về hình sự, hành chính, dân sự... rất cụ thể. Bà đồng tình quan điểm xử lý cán bộ về hưu có vi phạm trong thời gian công tác với hình thức khiển trách, cảnh cáo nhưng cần cân nhắc cách dùng từ trong quy định "xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm".
"Xoá là xoá cái đang hiện hữu, như lợi ích tinh thần và vật chất mà người đó được hưởng từ chức vụ trước đây mang lại như vinh danh, chế độ nghỉ dưỡng, chế độ khi từ trần... Vì vậy, tôi đề nghị nghiên cứu cách dùng từ để thể hiện cho rõ", bà Nga nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng đồng tình phải quy định vào Luật việc xử lý cán bộ nghỉ hưu có vi phạm trong thời gian công tác. Tuy nhiên, ông đề nghị quy định rõ "chỉ xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, còn tư cách pháp lý mà người đó thực hiện vẫn còn giá trị, vì khi đương chức họ đã ký hàng loạt công văn, giấy tờ...".
Giải trình băn khoăn của các thành viên Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, về hưu là không còn giữ chức vụ nữa nên không dùng từ "cách chức" mà dùng "xoá tư cách"; một người giữ hai nhiệm kỳ thì vi phạm ở nhiệm kỳ nào sẽ bị xoá tư cách nhiệm kỳ đó.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 7, khai mạc ngày 20/5.
Từ đầu năm 2017 đến nay, đã có nhiều lãnh đạo dù nghỉ hưu nhưng vẫn bị xử lý kỷ luật.
Tháng 1/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết và sau đó Thủ tướng ra quyết định xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Tháng 8/2017, Thủ tướng quyết định xoá tư cách nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Võ Kim Cự.
Tháng 10/2018, Thường vụ Quốc hội quyết định xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Thông tin Truyền thông nhiệm kỳ 2011 -2016 với ông Nguyễn Bắc Son.