Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vừa gửi đến các đại biểu báo cáo nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV.
Theo đó, về công tác phòng ngừa mê tín dị đoan, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho rằng hiện còn thiếu văn bản có địa vị pháp lý cao, quy định cụ thể, với các biện pháp răn đe đủ mạnh trong lĩnh vực này.
Việc tuyên truyền cũng chưa đạt hiệu quả cao để xã hội lên án các hành vi trục lợi thông qua tôn giáo, tín ngưỡng. Vì vậy, vẫn còn hiện tượng dâng sao, giải hạn, thỉnh vong...
Thời gian tới, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để "vạch trần thủ đoạn lừa bịp, buôn thần, bán thánh của các đối tượng hành nghề mê tín".
Liên quan đến quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh, báo cáo nêu ba nguồn thu chính ở các khu du lịch tâm linh là phí tham quan, phí dịch vụ hỗ trợ, tiền công đức.
Phí tham quan được điều chỉnh bới Luật Phí và lệ phí; phí dịch vụ hỗ trợ được quy định tại Luật Doanh nghiệp. "Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về quản lý tiền công đức", báo cáo nêu và kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản pháp luật quy định cụ thể quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh. Bộ Tài chính sớm hướng dẫn quản lý tài chính tại các lễ hội và tiền công đức.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương; UBND các cấp chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với giáo hội đẩy mạnh kiện toàn bộ máy quản lý di tích có gắn với công trình tôn giáo, tín ngưỡng.
Chiều mai 5/6, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; phòng ngừa mê tín dị đoan; quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh...