Chiều 20/9, trình bày dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, dự luật đề xuất miễn thị thực 30 ngày cho người nước ngoài vào các khu kinh tế ven biển có đáp ứng đủ các điều kiện: không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài; có sân bay quốc tế; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
"Quy định trên nhằm luật hóa việc tiếp tục áp dụng chính sách miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người ngoài nhập cảnh đảo Phú Quốc, đồng thời có cơ sở pháp lý để nghiên cứu áp dụng với các khu kinh tế ven biển có điều kiện tương tự", ông Nam nói.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt nói một số thành viên Uỷ ban cho rằng việc bổ sung trường hợp được miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ và phải đáp ứng các điều kiện về sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, cách biệt lãnh thổ với bên ngoài là "chưa thỏa đáng".
Các đại biểu này đề nghị 16 khu kinh tế ven biển ở trong đất liền thì cần được áp dụng chính sách miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh tương tự như đối với các khu kinh tế cửa khẩu, không phải kèm theo điều kiện. Chỉ các khu kinh tế ven biển thuộc huyện đảo thì mới cần quy định rõ điều kiện như ban soạn thảo đưa ra.
Tuy nhiên, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh lại cho rằng rất nhiều khu kinh tế ven biển của Việt Nam ở trong đất liền, có diện tích rộng, trải dài theo chiều dọc của đất nước, cách xa sân bay và nhiều nơi có vị trí chính trị, quốc phòng an ninh quan trọng. Nếu tất cả đều miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh sẽ tiềm ẩn các nguy cơ về quốc phòng, an ninh và khó khăn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và quản lý hoạt động người nước ngoài.
Riêng các khu kinh tế cửa khẩu, do có vị trí giáp biên giới, gần cửa khẩu nên sẽ thuận lợi hơn trong việc quản lý người nước ngoài nhập cảnh vào khu vực này. Vì vậy, Thượng tướng Võ Trọng Việt nhấn mạnh, việc bổ sung quy định miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào các khu kinh tế ven biển kèm theo các điều kiện chặt chẽ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể là bảo đảm sự linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
"Do đó, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh tán thành với dự thảo Luật về việc bổ sung trường hợp được miễn thị thực có điều kiện đối với các khu kinh tế ven biển và giao Chính phủ quyết định", ông Việt nói.
Về đề xuất cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài, ông Võ Trọng Việt cho biết có thành viên Uỷ ban lo lắng đối tượng xấu sẽ lợi dụng chủ trương này để nhập cảnh, tiến hành các hoạt động xâm phạm, đe dọa an ninh quốc gia, gây mất trật tự, toàn xã hội.
Theo ông Việt, cấp thị thực điện tử là chính sách mới, thể hiện quyết tâm cải cách hành chính triệt để của Chính phủ, phù hợp chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xét duyệt cần phải làm chặt chẽ vì thực tế, qua công tác xét duyệt nhân sự cấp thị thực điện tử, đã phát hiện, từ chối 5 trường hợp thuộc diện chưa cho nhập cảnh Việt Nam, 13 trường hợp khai sai sự thật khi đề nghị cấp thị thực điện tử.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cơ bản tán thành với tờ trình của Chính phủ nhưng ông đề nghị ban soạn thảo cân nhắc tính khả thi, chặt chẽ, "không được ảnh hưởng đến an ninh chủ quyền quốc gia". "Cần rà soát các điều kiện miễn thị thực khi vào các khu kinh tế ven biển, thời hạn thị thực sao cho hợp lý với các trường hợp đơn phương miễn thị thực, bảo đảm phát huy được khả năng thu hút đầu tư, du lịch nhưng cũng phải đảm bảo chặt chẽ trong công tác quản lý, tránh lợi dụng", Phó chủ tịch Quốc hội nói.
Việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã được thí điểm theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 và Nghị quyết số 74/2018/QH14, được đánh giá là có hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế. Vì vậy, các cơ quan chức năng cho rằng chính sách này cần phải được luật hóa để bảo đảm thực hiện ổn định lâu dài.
Uỷ ban Quốc phòng An ninh đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) theo quy trình một kỳ họp.