Sáng 18/10, Hội thảo khoa học quốc gia “Sửa đổi lối làm việc - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10/1947) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội thảo do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương.
PGS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng cho biết, trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết kinh nghiệm và đề ra nội dung căn bản, toàn diện về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hồ Chủ tịch thẳng thắn cho rằng, trong Đảng đã xuất hiện những thứ bệnh nguy hiểm như tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, hữu danh vô thực, kéo bè kéo cánh, chủ nghĩa cá nhân...
"Những tật bệnh đó khiến Đảng xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ, chính sách không được thi hành triệt để, Đảng xa rời dân chúng", ông Phúc dẫn lời nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
PGS Nguyễn Trọng Phúc đề nghị lập Viện Đạo đức học để giảng dạy cho cán bộ. Ảnh: Ngọc Thành |
Theo nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng, Hồ Chủ tịch từng căn dặn "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng". Trong xây dựng tổ chức Đảng, Hồ Chủ tịch coi "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng".
"Để huấn luyện được cán bộ, tôi đề nghị lập Viện Đạo đức học, trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Viện này sẽ dạy cán bộ đạo đức và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng. Giảng viên thì phải tuyển chọn những người mẫu mực về để giảng dạy", PGS Phúc nói.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng Đảng về đạo đức, ông Phúc cho rằng, sau khi thành lập viện thì nên giao cho hai cơ quan phụ trách là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Trung ương.