Sáng 25/9, phát biểu tại hội thảo khoa học "đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới - những vấn đề lý luận và thực tiễn", PGS.TS Lê Minh Thông (trợ lý Chủ tịch Quốc hội) cho rằng, "đổi mới bầu cử trong Đảng là yếu tố then chốt, giúp chọn được nhân sự chính xác nhất, hạn chế tối đa những sai lầm trong việc chọn người thay mặt Đảng cầm quyền trong bộ máy nhà nước".
Theo ông, bầu cử tốt trong Đảng là điều kiện tiên quyết để bầu cử tốt trong Nhà nước, vì hai việc này liên thông với nhau. "Chọn đúng người vào cấp ủy thì khi giới thiệu bầu vào Quốc hội, HĐND các cấp sẽ được nhân dân tin tưởng", ông nói.
Ngoài ra, ông Thông kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu việc cung cấp thông tin cho đảng viên về quy hoạch nhân sự trước thềm đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội toàn quốc của Đảng.
"Ví dụ, vừa qua hơn 200 nhân sự được giới thiệu vào quy hoạch Trung ương khóa mới, vậy có thể xem xét công khai thông tin rộng rãi về danh sách này cho cán bộ, đảng viên được không; tôi tin rằng qua đó sẽ góp phần kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền", ông Thông nêu ý kiến.
PGS.TS Lê Minh Thông cũng đề xuất, trong quá trình bầu cử, hồ sơ của các ứng cử viên phải có chương trình hành động để đại biểu nghiên cứu, "không chỉ xem xét trước mắt mà còn dõi theo xuyên suốt cả nhiệm kỳ xem anh hứa như thế thì có làm không".
Theo ông, đại hội các cấp cũng cần tổ chức diễn đàn bầu cử, tạo điều kiện cho ứng cử viên giao lưu với đại biểu và những người sẽ bỏ phiếu bầu để trao đổi, lắng nghe, giải trình, "tránh trường hợp bầu mà không biết mặt".
GS Nguyễn Văn Huyên - nguyên Viện trưởng Viện Chính trị học cũng kiến nghị, cấp có thẩm quyền cần suy nghĩ, đổi mới phương thức lãnh đạo trong bầu cử, lựa chọn người xứng đáng vào vị trí chủ chốt. "Chỉ có như vậy, quyền lực mới được sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả cao", ông nói.
Chia sẻ kinh nghiệm với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang trong nhiều năm,ông Triệu Tài Vinh - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng đổi mới công tác cán bộ, chọn được lãnh đạo tốt sẽ giúp xây dựng sức đề kháng cho cả hệ thống chính trị ở địa phương.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho hay, khi công tác ở tỉnh này, ông yêu cầu tăng tính thực chất đối với bản kiểm điểm của cán bộ, theo đó mỗi bản kiểm điểm phải có sự đánh giá, đối chiếu với hiệu quả công tác trong thực tế. Lãnh đạo được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ thì kinh tế - xã hội ở khu vực người đó phụ trách phải phát triển vượt bậc.
Để góp phần ngăn chặn các biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên, ông Vinh cũng yêu cầu mỗi người từ Bí thư Tỉnh ủy trở xuống tự chấm điểm cụ thể với từng nội dung liên quan theo quy định trong Đảng. "Việc này không phải khó làm nhưng rất nhạy cảm, phải quyết tâm mới triển khai được", ông Vinh nhận định.
"Tôi nói như trên chắc là nhiều người nghĩ tới chuyện năm 2013, trên mạng xã hội đề cập vấn đề cả gia đình tôi làm quan và vừa rồi là gian lận thi cử. Nhưng việc đó không sao, là lãnh đạo tỉnh thì tôi phải đối mặt với thực tế, vượt qua nó", ông chia sẻ.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 71 tham luận, trong đó có hơn 20 chuyên luận của các lãnh đạo cấp cao. Ông Phạm Chí Thành, quyền giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật - đại diện Ban tổ chức cho biết, các tham luận sẽ được tổng hợp, gửi đến cấp có thẩm quyền để phục vụ xây dựng nội dung văn kiện đại hội các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.