Trước yêu cầu của các đại biểu, chiều 22/11, Quốc hội tổ chức thêm một buổi thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Góp ý cho dự thảo, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam Phạm Trường Dân đề nghị nghiên cứu bổ sung nguyên tắc cũng như thủ tục cưỡng chế thật chặt chẽ.
Theo đó, việc cưỡng chế không tổ chức vào các thời điểm nhạy cảm, dễ ảnh hưởng xấu tới an ninh chính trị như dịp lễ tết; gia đình người bị cưỡng chế có tang, giỗ chạp, cưới xin, tai nạn, rủi ro...
Bên cạnh đó, với trường hợp đông người cùng bị cưỡng chế, có thể xảy ra tình huống phức tạp thì phải giao Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban cưỡng chế, giải phóng mặt bằng. Phương án cưỡng chế phải do UDND tỉnh phê duyệt, trưởng công an huyện xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự và được giám đốc công an tỉnh phê duyệt. Trong quá trình cưỡng chế, VKSND có quyền kiểm sát, theo dõi.
“Trách nhiệm của người phê duyệt kế hoạch cưỡng, nếu vi phạm luật hoặc trong quá trình cưỡng chế để xảy ra phức tạp dẫn đến nhiều người khiếu kiện thì xử lý thế nào? Luật cũng phải quy định cụ thể”, ông Dân đề nghị.
Phát biểu của vị Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam gợi nhớ tới vụ cưỡng chế dẫn tới nổ súng ở đầm tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn (xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng). Vụ cưỡng chế diễn ra vào ngày 5/1/2012 (tức 12 tháng Chạp), vào thời điểm chỉ còn hơn 2 tuần nữa là tới dịp Tết Nguyên đán. Thành ủy Hải Phòng một tháng sau đã nêu 5 tồn tại của vụ việc, trong đó nhận định, việc tổ chức cưỡng chế vào thời điểm sát Tết đã gây phản ứng trong dư luận.
Nhắc lại quá trình cách mạng giải phóng dân tộc giành lại chủ quyền và khẩu hiệu “dân cày có ruộng”, đại biểu Nguyễn Bắc Việt đề nghị sử dụng cụm từ “thay đổi quyền sử dụng đất” thay cho “thu hồi đất”. Lý do là "thu hồi đất" chỉ phù hợp với các trường hợp vi pham luật khi sử dụng đất và bị thu hồi, còn các trường hợp khác là nhà nước nhận đất của người giao đất, hiến đất.
Về nguyên tắc bồi thường, ông Việt đề nghị trong luật quy định áp dụng phương án có lợi nhất cho người dân bị thu hồi đất theo tư tưởng “việc gì có lợi cho dân thì làm”. Với những thay đổi này, ông Việt nhận xét là sẽ hợp lòng dân hơn.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa thì cho rằng, thu hồi đất phục vụ cho mục đích kinh tế xã hội là cần thiết nhưng phải quy định rõ để tránh bị lạm dụng bởi lợi ích riêng, lợi ích nhóm. Dự thảo luật vì thế theo ông cần quy định rõ hơn trong trường hợp thu hồi làm khu công nghiệp, chế xuất, khu đô thị mới… tại điểm e, g của điều 62 dự thảo luật. Còn đại biểu Lê Trọng Sang thì cho rằng các quy định tại hai điểm mấu chốt trong thu hồi đất này cần thu hẹp.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đề nghị có thêm quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật, đồng thời, với trường hợp này thì không được bồi thường khi thu hồi đất.
Ở khía cạnh lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, cần bổ sung vai trò của cấp huyện, xã vào việc lấy ý kiến toàn dân. Theo ông Phương, với hiến định đất đai là sở hữu toàn dân thì việc lấy ý kiến toàn dân phải được thực hiện nghiêm túc, song trong thực tế, nhiều dự án không được dân đồng tình vì họ không biết về quy hoạch.
“Dân không biết quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng "cò đất" thì biết và thu lợi bằng cách mua rẻ bán đắt. Người dân không được xây nhà hoặc xây rồi phải phá dỡ, rất thiệt thòi”, đại biểu Phương nói.
Còn đại biểu Trương Văn Vở đề nghị rà soát bổ sung để đảm bảo tính nhất quán và nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo ông, có như vậy mới đảm bảo tính phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội cũng như tính liên kết giữa các tỉnh, vùng.
Theo chương trình kỳ họp, dự thảo luật sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 29/11, một ngày sau khi dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) được thông qua.
Nguyễn Hưng