Sáng 14/10, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Hầu A Lềnh đã trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri sẽ trình bày tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV (dự kiến khai mạc ngày 21/10).
Về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ông Hầu A Lềnh nêu lĩnh vực này thời gian qua đã được các cấp có thẩm quyền cũng như toàn xã hội hết sức quan tâm". Tuy nhiên, cử tri phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục. Ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn, đặc biệt tại Hà Nội, TP HCM ở mức đáng báo động, nguy hại đến sức khỏe con người.
Ngoài ra, việc phản ứng của chính quyền địa phương đối với sự cố môi trường, nhất là đối với các vụ cháy, nổ còn lúng túng.
Theo ông Lềnh, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan và các địa phương có phương án cụ thể khẩn trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi thành phố, khu đông dân cư; ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm môi trường.
"Tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các cơ sở trực tiếp xả chất thải gây ô nhiễm ra môi trường; thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để người dân chủ động phòng tránh" ông nói.
Cũng theo Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ, cử tri phản ánh tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép, chặt phá rừng tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, việc xác minh, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay cho vi phạm chưa thực sự quyết liệt và hiệu quả.
"Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên Môi trường, các cơ quan chức năng và địa phương quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, xử lý nghiêm vi phạm", ông Lềnh nhấn mạnh.
Dự thảo báo cáo của Mặt trận Tổ quốc VN dẫn kết quả quan trắc 30 vị trí môi trường trong tháng 9 của Trung tâm quan trắc Tài nguyên Môi trường ở TP HCM cho hay, chất lượng không khí từ ngày 3/9 đến 20/9 có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO... trong các ngày 18 đến 20/9. Cao nhất là ngày 20/9, bụi lơ lửng tăng gấp 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần
Đặc biệt ghi nhận sự gia tăng bụi mịn PM10, PM 2.5 gia tăng từ 1,9-2,2 lần, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến yếu tố môi trường tăng khoảng 30%.