Chiều 11/3, tại phiên họp 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Theo dự luật, Ban chỉ huy quân sự cấp xã là cơ quan thường trực công tác quốc phòng ở cấp xã; thành phần gồm Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Chính trị viên phó, Phó chỉ huy trưởng.
Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng cho biết, theo dự thảo Chỉ huy trưởng là công chức cấp xã; trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, chiến tranh, chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã sẽ do sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhiệm.
Quy định này được hai Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Đỗ Bá Tỵ đề nghị phải nghiên cứu thêm để phù hợp với thực tế và đảm bảo tương quan với lực lượng công an xã.
Phó chủ tịch Đỗ Bá Tỵ phân tích, thực tế từ thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho thấy, quân đội là lực lượng chủ yếu tham mưu và tổ chức thực hiện tác chiến phòng thủ, đánh địch. Lực lượng này phải được xây dựng ngay từ thời bình, chứ không phải đến khi chiến tranh mới đưa sĩ quan về làm xã đội trưởng như dự thảo.
Theo ông, hàng năm lực lượng quân đội từ cấp xã trở lên phải tổ chức diễn tập luyện tập khu vực phòng thủ để rèn động tác chỉ huy. Vì vậy, việc xây dựng lực lượng ngay thời bình rất quan trọng, nhất là các xã vùng biên giới, hải đảo.
"Trần quân hàm của Trưởng công an xã là trung tá trong khi Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là công chức là không ổn. Phải nghiên cứu chặt chẽ để đảm bảo tương quan giữa hai lực lượng và tính chính danh, để người làm xã đội trưởng hoàn thành nhiệm vụ của mình là tham mưu, chỉ huy về vấn đề tác chiến", Phó chủ tịch Quốc hội nói.
Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết, có một số ý kiến băn khoăn về quy định nêu trên vì hiện theo Luật Công an nhân dân thì công an xã, thị trấn đang được xây dựng chính quy, Trưởng công an xã có cấp bậc quân hàm cao nhất là trung tá.
Những thành viên này đề nghị nghiên cứu quy định Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là sĩ quan Quân đội đảm nhiệm ngay từ thời bình cho tương thích với Công an xã để kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra; đồng thời bảo đảm công bằng về chế độ, chính sách giữa hai lực lượng cấp xã.
"Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh thấy rằng, việc quy định Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là sĩ quan Quân đội ngay từ thời bình là vấn đề lớn, vì sẽ tăng biên chế, kinh phí bảo đảm... nên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và báo cáo cụ thể vấn đề này. Trường hợp cần quy định trong dự luật thì báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền", thượng tướng Võ Trọng Việt nói.
Luật Dân quân tự vệ được Quốc hội khóa 12 thông qua ngày 23/11/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010. Tổng kết việc thực hiện Luật Dân quân tự vệ trên toàn quốc những năm qua cho thấy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến dân quân tự vệ chưa được cụ thể hóa.
Nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tiễn liên quan đến dân quân tự vệ chưa được điều chỉnh. Vì vậy, để bảo đảm đáp ứng những yêu cầu về xây dựng, huấn luyện, sử dụng dân quân tự vệ trong tình hình mới, Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xin ý kiến vào kỳ họp thứ 7 giữa năm 2019.