Chính sách đối với người có tài năng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội khi cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức sáng 24/10.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho rằng muốn phát triển nhân tài thì phải xây dựng môi trường tốt. Nhiều tỉnh thành đã có chính sách trải thảm đỏ trọng dụng nhân tài, nhưng có bao nhiêu phần trăm thạc sĩ, tiến sĩ đóng góp được cho các địa phương đó? Thậm chí nhiều thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về đang thất nghiệp, có người chạy xe ôm, grab.
"Đây là những người giỏi, song hạt giống tốt phải được gieo trên đất giàu dinh dưỡng mới có thể đơm hoa, kết trái, cho vụ mùa bội thu", ông Tuấn nói.
Ngoài ra, Giám đốc Bệnh viện Tim băn khoăn, "hạt giống tốt, đất tốt nhưng cái tâm không tốt thì sao", vì có những người vừa giỏi, vừa được tạo môi trường để cống hiến, nhưng cái tâm không hướng về đất nước mà cho cá nhân, lợi ích nhóm thì "không phải là người tài".
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh, cho rằng với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, nếu bàn quá nhiều về "thế nào là nhân tài, trọng dụng nhân tài thì không đúng tinh thần. Hơn nữa, chưa chắc tiến sĩ, thạc sĩ đã là nhân tài".
Ông Dương Trung Quốc nêu vấn đề, luật pháp phải gắn với ngôn ngữ và thể hiện chính xác khái niệm. Chữ nhân tài nên hiểu là năng lực của mỗi con người, như người xưa nói dụng nhân như dụng mộc - tức là dùng đúng người đúng chỗ.
"Bộ máy công quyền rất cần những người có năng lực. Còn hiểu nhân tài là xuất chúng, kiệt xuất, thiên tài thì không nằm trong phạm vi của Luật này. Một công chức khó có thể phát hiện ra điều gì kiệt xuất, vì họ phải thực hiện theo luật pháp, theo quy trình rõ ràng", ông Quốc nói.
Ông Quốc cũng cho rằng, ngày nay đánh giá con người phải thể hiện ở chính sách đãi ngộ, còn trước đây có những giá trị lớn hơn tiền bạc, đó là lòng yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh mời được nhiều nhân sĩ trí thức vào Chính phủ. Họ được đào tạo ở chế độ cũ nhưng sẵn sàng hy sinh vật chất để đóng góp cho đất nước.
"Bây giờ chúng ta nói công chức yêu nước, thế những người tài làm ở nơi khác không yêu nước hay sao? Vấn đề là phải có chính sách đãi ngộ để thu hút những người tài năng vào bộ máy", ông Quốc nói.
Tiếp tục tranh luận, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết "rất sốc và buồn" khi nghe ông Quốc phát biểu. "Cho dù thời cuộc có thay đổi, với cơ chế thị trường, đồng tiền len lỏi vào từng người, từng nhà, từng cơ quan, nhưng chúng tôi, những nhà khoa học, cán bộ, viên chức đang làm việc trong nhà nước không phải vì tiền mà vì lòng tự tôn dân tộc, vì lòng yêu nước giống hệt các nhân sĩ cách đây 70 năm", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn nói, nếu dùng tiền mua được đạo đức, dùng tiền để mua khoa học thì không có nhiều nhà khoa học từ nước ngoài bỏ đồng lương rất cao về Việt Nam xây dựng đất nước, không có cán bộ khoa học, nhân tài đang ngồi nhận đồng lương công chức, viên chức.
Trao đổi lại, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh rằng học tập tư tưởng của người xưa là phải biết vận dụng chứ không thể giáo điều. "Tôi xin hỏi đại biểu Tuấn, bây giờ có thể bổ nhiệm giám đốc sở hay cấp cao hơn là người ngoài Đảng không? Chắc chắn là không", ông nói.
Đại diện cơ quan soạn thảo Luật, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết khái niệm về tài năng trong tổng thể chung "rất khó", mỗi ngành, lĩnh vực có tiêu chí và yêu cầu riêng. Vì vậy, trong các phương án trình, Ban soạn thảo chỉ xác định người có tài năng trong hoạt động công vụ và giao Chính phủ quy định khung chính sách thu hút.
"Trong dự thảo Luật, chúng tôi dự kiến quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc rà soát người có tài năng, kèm theo chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tiền lương, thưởng. Các địa phương sẽ áp dụng dựa trên chính sách khung mà Chính phủ ban hành", ông Tân nói.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua ngày 25/11.
Hoàng Thuỳ - Viết Tuân