Chiều 29/5, thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất của Chính phủ về tăng tuổi nghỉ hưu.
Ông Đinh Văn Nhã - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nói, việc tăng tuổi nghỉ hưu là chiến lược chung của nhiều quốc gia trên thế giới mà không phân biệt nước giàu hay nghèo. Và để thực hiện chiến lược này, các nước thường đề ra lộ trình tăng dần trong nhiều năm. Ví dụ có những nước độ tuổi nghỉ hưu phổ biến là 65 thì họ điều chỉnh trong hàng chục năm để đạt mức này, cứ mỗi năm tăng thêm một tháng.
"Cách tăng như vậy không gây sốc. Với Việt Nam, việc trình Quốc hội xem xét từ năm 2021 mới bắt đầu lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu là hơi muộn so với các nước, có thể nói là nước đến chân mới nhảy", ông Nhã nói.
Theo ông, nếu như Việt Nam tăng tuổi nghỉ hưu sớm hơn, từ cách đây vài năm thì chỉ cần mỗi năm tăng một tháng, thay vì mỗi năm tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi như đề xuất của Chính phủ (phương án khác của Chính phủ là mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam, 6 tháng đối với nữ).
Ông Nhã nhấn mạnh việc tăng tuổi nghỉ hưu giúp cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn. "Ở ta có nghịch lý là mức đóng bảo hiểm xã hội thấp, thời gian hưởng dài, mức hưởng lại cao, khiến quỹ không có cách gì cân đối được; tất nhiên không thể vỡ quỹ được ngay, nhưng về lâu dài nếu không cân đối là rất nguy hiểm", ông Nhã nói và đề xuất chỉ nên kéo dài tuổi nghỉ hưu của nữ đến 58 thay vì 60 như phương án của Chính phủ.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong xu thế chung của thế giới. "Không phải cứ độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau mới là bình đẳng giới. Chính sự khác nhau về tuổi nghỉ hưu mới là bình đẳng, do đặc điểm tâm sinh lý và bảo đảm lợi ích cho nữ", ông Lưu nói.
Ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu, ông Hoàng Văn Trà - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói, tuổi thọ bình quân và sức khỏe của người Việt Nam đã tăng lên trong những năm qua, phù hợp với việc kéo dài thời gian làm việc. Tuy nhiên, ông Trà đề nghị Chính phủ làm rõ thêm lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, "vì sao mỗi năm tăng 3 tháng, 4 tháng?".
Ngoài ra, ông Trà cho rằng dự luật cần quy định cụ thể việc "người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung".
"Thực tế trong nhiều cơ quan có tình trạng cán bộ chỉ đi đi về về, không cống hiến được gì. Bản thân họ muốn nghỉ lắm nhưng chế độ, chính sách không thực hiện được vì chưa đủ tháng, đủ ngày để nghỉ. Hoặc có những người không làm gì vẫn chiếm một vị trí, muốn bổ nhiệm người mới lên thì không có suất", ông nói.
Bên cạnh ý kiến ủng hộ, nhiều đại biểu chưa đồng tình việc tăng tuổi nghỉ hưu. Ông Lê Tấn Tới - Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu nói, tăng tuổi nghỉ hưu thì người hưởng lợi nhiều nhất là ở khu vực công; dù tăng có lộ trình nhưng ít nhiều tác động đến lớp cán bộ liền kề. Trong khi đó, nội dung này ban soạn thảo chưa thống kê tác động bao nhiều người.
"Tôi cho rằng trong điều kiện hiện nay thì không nên tăng tuổi nghỉ hưu", ông Tới nói.
Đại biểu Nguyễn Sĩ Lâm cũng cho rằng trong bối cảnh người lao động nhiều, thiếu việc làm thì "khó ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu". Theo ông, nếu cán bộ muốn làm việc thêm, có khả năng cống hiến sau khi về hưu thì có thể ký hợp đồng với đơn vị để ở lại làm việc với tư cách chuyên gia.
Chiều 12/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật lao động (sửa đổi).
Ngày 29/5, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước và thuyết minh của Chính phủ về việc Việt Nam gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về áp dụng các nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (Công ước 98).
Công ước 98 có 3 nội dung cơ bản gồm: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; Bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; và những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.