Chương trình "Hội đồng nhân dân với cử tri" của thành phố Đà Nẵng sáng 15/5 đã nhận được nhiều chất vấn về ô nhiễm và quá tải tại bãi rác Khánh Sơn. Tình trạng này được nêu lên từ nhiều năm, lãnh đạo thành phố hứa di dời trước 2019, nhưng đến nay đang xin đất quốc phòng để tiếp tục mở rộng các hộc chứa rác.
"Bao giờ thành phố di dời bãi rác", cử tri Nguyễn Tựa (phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu) đặt câu hỏi và đề nghị chính quyền đấu nối đường ống ngầm dẫn nước thải từ bãi rác ra đến cầu Đa Cô để giảm thiểu mùi hôi ảnh hưởng đến khu dân cư.
Cử tri Nguyễn Trí Tổng (quận Hải Châu) đề nghị thành phố có kế hoạch phân loại rác thải và phân cấp cơ quan xử lý, "không thể đổ hết vào bãi rác Khánh Sơn và Sở Tài nguyên Môi trường".
Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường nói, bình quân mỗi ngày thành phố có 1.100 tấn rác sinh hoạt, chưa tính rác thải y tế và công nghiệp. Bãi rác Khánh Sơn đã nhận 3,2 triệu tấn rác và chỉ còn chứa được tối đa 230 ngày nữa. Khi đó, Đà Nẵng sẽ đối diện với khủng hoảng rác.
Trả lời câu hỏi về thời gian di dời bãi rác, ông Hùng cho rằng "cần có sự thay đổi góc nhìn". "Tại sao chúng ta lại di dời? Nếu đóng cửa bãi rác thì có khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường không? 3,2 tấn rác thải sẽ đi đâu?", ông Hùng nêu lên hàng loạt câu hỏi.
Theo ông, nếu di dời bãi rác Khánh Sơn như chủ trương trước đây sẽ không giải quyết tổng thể được vấn đề; các sở, ngành đã tham mưu lãnh đạo thành phố và thống nhất chủ trương theo hướng "không di dời mà nâng cấp bãi rác hiện tại thành khu liên hiệp xử lý rác của Đà Nẵng".
Theo đó, thành phố sẽ cho phép Công ty cổ phần môi trường Việt Nam (từng bị đóng cửa vì hoạt động chưa hiệu quả) đổi mới công nghệ, đầu tư xây dựng nhà máy rác theo công nghệ đốt, công suất 650 tấn và dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2020.
Ngoài ra, thành phố sẽ kêu gọi đầu tư một nhà máy xử lý rác với công suất 1.500 tấn; xây dựng lò đốt rác y tế và hệ thống xử lý bể phốt theo đúng tiêu chuẩn; di dời các hộ dân nằm trong phạm vi ô nhiễm môi trường; chuyển đổi nghề cho 300 hộ dân sống dựa vào bãi rác...
"Nếu sau này thành phố đảm bảo ngân sách thì sẽ xử lý luôn phần rác đang chôn lấp ở Khánh Sơn để có quỹ đất sạch, kêu gọi đầu tư nhà máy hỗ trợ phân loại, xử lý rác", ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nhấn mạnh, các đơn vị liên quan cần vào cuộc quyết liệt để nhà máy xử lý rác sớm đi vào hoạt động. "Chúng ta là thành phố du lịch, thành phố môi trường mà rác bủa vây thì chẳng ai dám đến nữa", ông nói.
Về tình trạng ô nhiễm do nước thải đang chảy thẳng ra các bờ biển, ông Tô Văn Hùng nói theo quy hoạch trước đây, hệ thống thu gom nước mưa Đà Nẵng đang chung với nước thải sinh hoạt. Khi trời mưa, hệ thống bị quá tải và nước thải cùng nước mưa chảy thẳng ra biển, gây ô nhiễm. Cụ thể như, bãi biển ở quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn là những nơi thu hút đông khách du lịch lại đang có tới 9 cửa xả.
"Khi các dự án nâng cấp và xử lý nước thải hàng nghìn tỷ đồng của thành phố xây dựng xong, dự kiến đến năm 2020 sẽ xử lý được tình trạng ô nhiễm", ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Nho Trung thông tin thêm, thường trực HĐND TP đã thống nhất tiến hành rà soát các nhà hàng, khách sạn từ nay đến tháng 8/2019; từ tháng 9 trở đi, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các cơ sở không thực hiện đúng quy định về môi trường.