Ảnh hưởng của hoàn lưu trước bão Sơn Ca - cơn bão thứ năm vào Biển Đông trong năm nay với sức gió tối đa 74 km/h (cấp 8), Đà Nẵng mưa từng chập từ sáng. Đến 13h, khi bão cách Đà Nẵng chừng 250 km, mưa bắt đầu xối xả. Các tuyến đường ở cả 6 quận và huyện Hòa Vang bị ngập, giao thông rối loạn.
Khoảng 20h30, nước dâng 0,5 m tại bùng binh nút giao Tạ Quang Bửu với đường dẫn phía nam hầm Hải Vân. 10 phút sau, lũ quét tràn từ trên núi Hải Vân về đường dẫn cầu số 1, 2 phía nam, bít mất cửa hầm. Nhà chức trách phải cho đóng hầm Hải Vân và cử lực lượng chốt trực từ cửa hầm phía bắc. Giao thông qua quốc lộ 1 vì thế bị gián đoạn.
Tại khu dân cư ven sông Túy Loan, huyện Hòa Vang, lúc 18h30 nước băng từ mặt sông tràn qua quốc lộ 14B rồi đổ ào vào nhà dân. Chỉ 30 phút sau nước dâng cao, có chỗ hơn một mét. Đến khoảng 21h, nước ngập quá đầu người lớn, nhiều người đục mái nhà kêu cứu.
Đến 22h, Đà Nẵng mưa vẫn như trút, khu trũng thấp Khe Cạn, quận Thanh Khê; quanh khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu và một số xã của huyện Hòa Vang, nước tràn vào nhà dân khoảng 1-1,5 m. Hàng trăm người dân cầu cứu lực lượng chức năng hỗ trợ đưa phụ nữ và trẻ em đến nơi trú tránh. Tuy nhiên, do khắp nơi ngập, lực lượng cứu hộ dùng xuồng, ca nô vẫn chưa thể tiếp cận.
Từ chỗ làm trở về nhà trọ ở phố Nguyễn Văn Linh, quận Hải Châu, anh Châu Văn An mắc kẹt tại đường Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu từ 19h. Anh và gần chục người đứng trên nóc chiếc xe ngập nước, xung quanh tối đen, chỉ có đốm sáng của đèn ôtô, xe máy. "Điện thoại mọi người đều hết pin, máy tôi chỉ còn vài %, cố gắng liên lạc với cứu hộ nhưng không được. Chưa ai ăn gì", anh nói.
Trên các tuyến đường, tài xế bỏ lại ôtô giữa dòng nước lũ. Hai hầm chui Điên Biên Phủ và Trần Thị Lý bị ngập khoảng một mét, buộc phải đóng cửa. Nhiều người thoát khỏi cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để vào trung tâm TP Đà Nẵng, nhưng đành phải dừng lại vì đường Cách mạng tháng Tám, 2/9 ngập sâu.
Các lực lượng gồm công an, quân đội, dân phòng dùng ca nô, thuyền thúng tiếp cận khu vực xung yếu, khu dân cư thấp trũng, một số nhà dân quận Liên Chiểu, Hòa Vang để sơ tán người già, trẻ em. Trên các trục đường chính, một số xe cứu hộ phải di dời các ôtô để khơi thông dòng thoát lũ.
Điện lực Đà Nẵng cho biết đã chủ động cắt điện tại nhiều tuyến đường bị ngập sâu. Cụ thể, phần lớn quận Sơn Trà, dọc ven biển đường Trường Sa; một phần quận Hải Châu, một phần khu công nghiệp Hòa Khánh, khu đô thị Phước Lý, Nguyễn Nhàn, một số phường xã ở quận Thanh Khê và huyện Hòa Vang bị cúp điện. Ước chừng 152.000 khách hàng bị ảnh hưởng.
Đến 23h, Đà Nẵng ngớt mưa, nhưng nước chưa rút. Những tuyến đường hướng ra biển nước chảy cuồn cuộn. Nhận định còn nhiều người dân ở vùng thấp trũng mắc kẹt, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh chỉ đạo lực lượng cứu hộ nhanh chóng sử dụng phương tiện tiếp cận.
Dự báo đêm nay còn mưa lớn, lãnh đạo thành phố kêu gọi người dân tuyệt đối không được chủ quan, không ra đường nếu không có việc cần thiết. Hiện nay nhiều khu vực mất điện, nhiều người đã hết pin điện thoại để liên lạc, gây khó khăn cho lực lượng cứu hộ tiếp cận sâu vào các ngõ hẻm bị ngập.
Đánh giá về đợt mưa này, anh Trần Huỳnh Bảo Lộc, nhà ở ngã tư Hà Huy Tập - Điện Biên Phủ, nói sống ở đây 8 năm nhưng lần đầu chứng kiến cảnh nước tràn vào nhà ngập 0,8 m. Nước lên quá nhanh, gia đình anh đã cố gắng đưa tài sản lên cao, nhưng vẫn không kịp, nhiều đồ đạc bị ngâm nước.
Một phụ huynh đón con tan trường từ 17h, nhưng đến đoạn đường Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu, thì mắc kẹt. "Tôi sống ở Đà Nẵng 30 năm chưa thấy trận lụt nào nặng, nước lên nhanh, ngập sâu rộng như vậy", anh nói. Hai bố con anh phải bỏ xe máy tại tiệm sửa và bắt taxi. Đi được một đoạn, nước dâng cao quá khiến cả hai phải xuống đi bộ thêm 2 km và đành đứng đợi ở Lê Duẩn chờ nước rút.
Nằm sát Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế cũng mưa to. Quốc lộ 1 tại km867 qua xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, ngập sâu hơn một mét. Lúc 20h, cảnh sát giao thông đã dựng rào chắn đoạn tại Km867+200. Cao tốc La Sơn - Túy Loan đang bị sạt lở ở km50 và km54, cảnh sát đã hạn chế phương tiện trên tuyến đường này.
Mưa lớn kéo dài nhiều giờ kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều tuyến đường trung tâm ở TP Huế như Bà Triệu, Nguyễn Công Trứ, Tố Hữu; đường ở kinh thành Huế như Lê Thánh Tôn, Ngô Đức Kế, Nhật Lê bị ngập sâu. Người dân bì bõm dắt xe máy trong đêm tối.
Cùng lúc đó, tại các xã vùng trũng ở huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, nước lũ từ thượng nguồn tràn về nhanh cũng gây ngập cục bộ. Trong đêm tối, công an túc trực hỗ trợ người dân và phương tiện qua đoạn ngập. Một số người ở xã Lộc Sơn bị mắc kẹt do lũ dâng cao đã được sơ tán đến nơi an toàn.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết lưu lượng nước về các hồ chứa Tả Trạch, Hương Điền và Bình Điền rất lớn, 4.000-5.000 m/s. Dự báo, mực nước sông Hương, sông Bồ trong sáng mai có thể lên báo động 3 (mức cao nhất) do vẫn đang mưa lớn ở thượng nguồn.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão Sơn Ca, các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên và phía bắc Tây Nguyên mưa to. Riêng từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi mưa đặc biệt lớn. Lượng mưa từ 7h đến 22h ngày 14/10 nhiều nơi trên 500 mm như: Hồ Thủy Yên (Thừa Thiên Huế) 650 mm, Suối Đá (Đà Nẵng) 720 mm, Cù Lao Chàm (Quảng Nam) 530 mm... Đây chính là nguyên nhân gây ngập lụt ở Đà Nẵng và Huế.
Dự báo khoảng 4h sáng mai, áp thấp nhiệt đới vào Đà Nẵng - Quảng Nam và tiếp tục gây mưa to. Tổng lượng mưa từ đêm nay đến hết ngày 16/10 ở Quảng Bình 100-250 mm; Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 200-300 mm, có nơi trên 400 mm. Các tỉnh lân cận là Quảng Ngãi, Kon Tum mưa 40-70 mm, có nơi trên 100 mm. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt vùng đô thị, sạt lở đất vùng núi.
Kể từ khi bão Noru đổ bộ vào Đà Nẵng - Quảng Nam sớm 28/9, miền Trung trải qua ba đợt mưa. Mưa do hoàn lưu bão Noru mở rộng tới Nghệ An, Hà Tĩnh, gây ngập 13/21 huyện thị ở Nghệ An, lũ quét ở huyện Kỳ Sơn. Từ ngày 9 đến 12/10, miền Trung hứng đợt mưa do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc và hôm nay là mưa do áp thấp nhiệt đới.