Ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp với hội tụ gió trên cao, trong 24 giờ qua (từ 19h ngày 8/12), các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế mưa phổ biến 20-50 mm. Một số nơi lớn hơn như Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 130 mm, Đồng Hới (Quảng Bình) 94 mm, Ba Đồn (Quảng Bình) 96 mm, Đông Hà (Quảng Trị) 144 mm, Huế (Thừa Thiên Huế) 85 mm.
Khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió đông trên cao kết hợp với gió mùa đông bắc nên mưa rất to. Cơ quan khí tượng ghi nhận, tại Đà Nẵng, lượng mưa trong 24 giờ tới 635 mm, cao nhất từ trước đến nay. Kỷ lục cũ xác lập ngày 3/11/1999 là 593 mm. Mưa dồn dập khiến hầu khắp quận huyện bị ngập từ 0,3 đến 0,7 m.
Tại thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), lượng mưa trong 24 giờ (đến 19h ngày 9/12) cũng lên tới 426 mm, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 377 mm, Hoài Nhơn (Bình Định) 160 mm. Nước lũ các sông Trà Khúc, Vệ, Kôn, An Lão, Lại Giang ở Quảng Ngãi và Bình Định đang lên, cao nhất có thể đạt báo động 3.
Mưa miền Trung kéo dài
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, ngày mai 10/12, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định tiếp tục mưa to với lượng 100-200 mm, riêng khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi 200-300 mm, có nơi trên 400 mm.
Khoảng ngày 11/12, gió mùa đông bắc được bổ sung, sẽ tràn đến Bắc và Trung Trung Bộ. Khu vực từ Thanh Hóa đến Bình Định tiếp tục mưa vừa, mưa to. Trong 3-4 ngày tới, lũ các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam và Phú Yên tiếp tục lên.
Mưa lũ đúng thời điểm miền Trung, nhất là khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên, đang khô hạn nên sẽ bổ sung lượng nước lớn cho các sông suối, hồ chứa. Tuy nhiên, mưa dồn dập trong thời gian ngắn sẽ khiến nước lũ lên nhanh, làm gia tăng nguy cơ sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.
Sẵn sàng sơ tán dân ở vùng ngập sâu, vùng có nguy cơ sạt lở
Ngày 9/12, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có công điện gửi các tỉnh thành từ Quảng Bình đến Phú Yên, đề nghị theo dõi diễn biến mưa lũ, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là vùng ven sông suối, vùng trũng để chủ động phòng tránh.
Địa phương cần triển khai các phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập; kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ hồ chứa; sẵn sàng vận hành công trình tiêu úng khi có mưa lớn, đề phòng ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Ban chỉ đạo Trung ương cũng yêu cầu địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao bị ngập sâu, chia cắt, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng phương án sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn. Những vị trí ngầm tràn, giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò ngang, đò dọc, đường bị ngập... cần bố trí lực lượng hướng dẫn người và phương tiện qua lại.
Gió mùa đông bắc tràn đến bắc miền Trung từ ngày 7/12, đến ngày 8/12 kết hợp với hội tụ gió trên cao gây mưa lớn, ngập lụt cho Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị. Tại Quảng Trị, mưa làm thủng nhà dân, cuốn trôi hai mẹ con đi xa, đến sáng 9/12 mới tìm thấy thi thể.
Đêm 8/12 và hôm nay 9/12, không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao gây mưa rất to cho Đà Nẵng, Quảng Nam. Tại Đà Nẵng, nhiều đường phố biến thành sông. Khoảng 200 m đường sắt bị sạt lở, đường sắt Bắc Nam tê liệt 7 tiếng.
Tại Quảng Nam, thành phố Tam Kỳ ngập nặng, nước lũ sông Thạch Bàn dâng nhanh, kéo đứt dây neo 40 lồng cá diêu hồng của một hộ dân ở phường Trường Xuân, làm thiệt hại khoảng 60 tấn cá.