Ngày 7/10, Sở Văn hoá và Thể thao Đà Nẵng cho biết đang lấy ý kiến dự thảo Đề án đặt, đổi tên gần 140 đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố năm 2019.
Theo đó, thành phố dự kiến đặt tên nhiều tuyến đường để ghi nhận và tôn vinh công lao của những người có nhiều đóng góp cho đất nước như Mẹ Suốt (1906-1968); Anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Xuân Thiều (1945-1972); nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2003); nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Văn Thông (1926-2010)...
Hai giáo sĩ (linh mục) Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes cũng có tên trong đề án và được đề nghị đặt tên cho hai tuyến đường ở khu đông nam đài tưởng niệm thuộc quận Hải Châu.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Đà Nẵng cho biết, hai giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes có công rất lớn trong quá trình tạo ra chữ quốc ngữ. "Chữ Quốc ngữ ra đời giúp văn hoá Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn", ông Hùng nói và cho biết hai giáo sĩ được các nhà sử học, nghiên cứu văn hoá giới thiệu cho Sở.
Tuy nhiên, khi Sở Văn hoá và Thể thao lấy ý kiến nhân dân đã có một số cán bộ hưu trí nêu quan điểm không đồng ý với việc đặt tên đường cho hai giáo sĩ vì cho rằng quá trình chế tác chữ Quốc ngữ của những giáo sĩ này gắn với quá trình thực dân Pháp xâm lược Việt Nam.
Theo ông Hùng, việc đặt tên đường mang tên hai giáo sĩ nên nhìn ở khía cạnh đóng góp của họ cho chữ Quốc ngữ. Các giáo sĩ đến Việt Nam truyền giáo ở thế kỷ 16-17, nên nếu nói họ gắn liền với quá trình xâm lược của ngoại bang thì "nặng nề quá".
"Khi đã có những khoảng lùi về lịch sử mình cũng nên xem xét để tôn vinh những đóng góp của họ cho sự phát triển của văn hoá Việt Nam", ông Hùng nói và cho biết tại các hội thảo tổ chức ở Hội An (Quảng Nam) và Bình Định, các chuyên gia đều đánh giá cao công lao của những người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, kể cả người Việt Nam và các giáo sĩ nước ngoài.
Tháng 12 tới, Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức Hội thảo 100 năm tôn vinh chữ Quốc ngữ. Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Đà Nẵng cho biết, các chuyên gia sẽ tiếp tục đánh giá về những cống hiến của hai giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes, từ đó giúp dư luận có cái nhìn khách quan hơn.
Đề án đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2019 dự kiến trình HĐND TP Đà Nẵng thông qua tại kỳ họp vào tháng 12 tới. Tại Đà Nẵng, nhiều nhà khoa học nước ngoài cũng đã được thành phố đặt tên đường. Khoảng năm 1995, TP HCM đã khôi phục tên đường Alexandre de Rhodes ở quận 1.
Giáo sĩ Dòng Tên Francisco De Pina (1585 - 1625) sinh tại thành phố Guarda thuộc Bồ Đào Nha, đến Đàng Trong (Việt Nam) năm 1617. Ông đã học tiếng Việt và trở thành giáo sĩ đầu tiên giảng đạo cho tín đồ bản địa mà không cần phiên dịch. Ông cũng dạy tiếng Việt cho một số giáo sĩ khác như Alexandre de Rhodes, Antonio de Fonte (Bồ Đào Nha), Girolarmo Majorica (Italy)...
Giáo sĩ Francisco De Pina đã biên soạn tài liệu về Phương pháp Latinh hóa tiếng Việt và cuốn Ngữ pháp tiếng Việt.
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1593 – 1660) đến Đàng Trong năm 1624. Trên cơ sở các thành tựu của các nhà truyền giáo nước ngoài và sự giúp đỡ của các thầy giảng người Việt, năm 1651 Alexandre de Rhodes đã hoàn thành quyển Từ điển Việt – Bồ - La tinh, đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ theo mẫu tự La tinh.