Ngày 27/2, ông Huỳnh Đức Thơ đã tiếp ông Ahn Min Sik, tân Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng. Tại đây, bên cạnh nội dung đẩy mạnh hợp tác, giao lưu giữa hai bên, ông Thơ đề cập đến sự việc 20 người Hàn Quốc từ thành phố Daegu đến Đà Nẵng trên chuyến bay hôm 24/2.
"Chúng tôi phải đưa nhóm khách này vào khu cách ly để đảm bảo an toàn cho người dân toàn thành phố", ông Thơ giải thích và nêu rõ quyết định này được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch diễn biến quá nhanh ở Hàn Quốc, thành phố Daegu là tâm dịch.
"Đà Nẵng đang có nhiều người Hàn Quốc sinh sống, du lịch, năm 2019 chiếm gần 60% tổng số du khách quốc tế đến thành phố. Chúng tôi đã cố gắng hết sức trong lúc phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp", ông Thơ nói thêm.
Thành phố đã lường trước tình huống và liệt kê một số khách sạn tốt, sẵn sàng chi trả mọi chi phí để phục vụ nhóm khách đến từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhân viên ở các khách sạn lo lắng, thậm chí cho biết có thể nghỉ việc thay vì phải phục vụ khách đến từ tâm dịch Covid-19. Lãnh đạo Đà Nẵng đã liên hệ với nhà khách của thành phố (khách sạn 4 sao) nhưng cũng bị từ chối phục vụ.
Trong khi chưa có lựa chọn nào tốt hơn, Đà Nẵng đã đề nghị tạm thời cách ly nhóm khách tại Bệnh viện Phổi - nơi đã thực hiện cách ly nhiều người dân địa phương và khách nước ngoài nghi nhiễm virus corona từ Tết Nguyên đán đến nay. "Bệnh viện đã cũ và hạ tầng không thể so sánh với các khách sạn 4 đến 5 sao được", ông Thơ chia sẻ với Tổng lãnh sự Hàn Quốc.
Khi quyết định phương án tạm đưa nhóm khách Hàn Quốc về Bệnh viện Phổi, lãnh đạo Đà Nẵng đã chỉ đạo cơ sở y tế này chuẩn bị suất ăn phục vụ tốt hơn so với mức bình thường.
"Chúng tôi đã cố gắng hết sức, tuy nhiên sự việc được xử lý trong thời gian gấp rút nên mong Tổng lãnh sự quán chia sẻ với thành phố, cùng nhau phòng chống dịch bệnh", ông Thơ nói và cho biết Đà Nẵng đang tìm kiếm những cơ sở tốt hơn để dự phòng cho tình huống tương tự.
Đại diện Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc cho biết đã nắm được phản ánh của du khách, trong đó có những người lần đầu tiên đến Việt Nam du lịch, nghĩa là lần đầu tiên phải vào Bệnh viện Phổi trong khi "tập quán và thói quen sinh hoạt khác nhau".
Theo vị này, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã có chỉ đạo Tổng lãnh sự quán phối hợp kịp thời để chia sẻ áp lực công việc cho phía Việt Nam.
Liên quan đến sự việc, bác sĩ Lê Thành Phúc - Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, cho biết gần 13h ngày 24/2, nhóm khách Hàn Quốc được ôtô chở thẳng từ sân bay đến bệnh viện, nhưng sau đó lại không chịu vào khu cách ly mà đòi đi nơi khác, nên bệnh viện không thể cung cấp bữa ăn ngay.
Lúc này, nhân viên bệnh viện đưa phần bánh mì (được chuẩn bị trước đó để lãnh đạo bệnh viện ăn trưa) xuống cho người khách nào cần lót dạ, đồng thời cung cấp thêm sữa tươi, sữa chua. Diễn biến này có sự chứng kiến của nhân viên Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng.
Chiều tối 24/2, Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng mua đồ ăn cho nhóm khách. Sau đó, khi xác định nhóm khách sẽ ngủ lại ở Bệnh viện Phổi, nhân viên bệnh viện đã cấp phát chăn, màn, gối, xà bông, dầu gội và bánh mì, sữa chua cho họ.
"Sáng 25/2, tôi ăn ổ bánh mì 12.000 đồng, nhưng bảo nhân viên mua cho nhóm khách Hàn Quốc bánh mì gồm thịt, chả, pate với giá 20.000 đồng/suất, dặn không bỏ rau sống vì sợ họ ăn không quen có thể đau bụng", bác sĩ Phúc kể.
Buổi trưa, bệnh viện mua cơm sườn, trứng giá 30.000 đồng/suất để phục vụ. Tối 25/2, trước khi khách ra sân bay trở về Incheon Hàn Quốc, thành phố đã mời họ ăn cơm Hàn Quốc với giá 200.000 đồng/suất.
18 người Hàn Quốc có nguyện vọng về nước đã được Đà Nẵng phối hợp với một hãng hàng không đưa về sân bay Incheon, vì đường bay thẳng đến Daegu bị cắt. Hai người khác xin ở lại Bệnh viện Phổi để cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế.