Lúc 10h30 sáng 10/9, Trung úy Vũ Ngọc Hoàng (27 tuổi) đang có ca trực điều tra xử lý cháy nổ cũng nhảy luôn lên xe. Trên hai xe cứu hỏa khi ấy chỉ có bảy chiến sĩ. Một phần quân số tham gia duyệt binh, phần khác đi thực tập phương án cháy nổ của thành phố. Đội trưởng, đội phó đều "chạy số, tăng bo" cùng anh em.
Còi xe rú vang trên đường đến đám cháy cách đó gần 1 km. Vụ hỏa hoạn nằm trên địa phận phường Giảng Võ, quận Ba Đình. Nhưng theo sự phân công, Đội cứu hỏa của quận Đống Đa sẽ "chạy địa bàn" chữa cháy cho một số phường của Ba Đình, vì trụ sở gần hơn.
Đám cháy bốc lên từ tầng 1 căn nhà năm tầng nằm trong ngõ 12, phố Núi Trúc. Ngôi nhà bị cháy cách đầu ngõ hơn trăm mét. Xe vào đến đầu ngõ, Hoàng đã thấy những cuộn khói bốc thẳng lên trời. Xe đến trước cửa nhà số 8, lửa đã phè ra phía ngoài đường, liếm trọn tầng 1 là cửa hàng quần áo trẻ em.
Xác định đám cháy lớn, đội cứu hỏa chia làm hai mũi: một tổ phá cửa cuốn tầng 1; tổ còn lại bắc thang tiếp cận từ ban công tầng 2, vừa dập lửa, vừa cứu người. Trời lất phất mưa. Người dân vây quanh phía dưới liên tục tri hô "Còn người ở phía trong". Lúc ấy, trong nhà có tổng cộng 5 người, con trai chủ nhà và người thuê mặt bằng. Khi thang cuốn tầng 1 bị phá, hai người từ phía trong thoát ra. Hai người khác trèo qua ban công nhà hàng xóm cũng đã xuống được dưới mặt đất. Cậu con trai tên Giang, 17 tuổi kẹt lại. Không ai xác định được Giang ở tầng nào.
Sau 15 phút, Đội phòng cháy chữa cháy quận Ba Đình chi viện thêm ba xe. Ngọn lửa được khống chế nhưng khói vẫn bốc lên. Mũi tiếp cận ban công các tầng gặp khó. Họ không mở được cửa tầng 2 khi tủ kính, hàng hóa, quần áo trẻ con phía trong đã lèn chặt cửa. Tổ chi viện của Ba Đình trèo qua thang lên tầng 4, nhưng cũng "bó tay" khi các thanh sắt đã hàn kín thành "chuồng cọp".
Tổ của Hoàng phá được cửa tầng 3, kéo lăng chữa cháy phun nước vào. Từng luồng khói đen mù mịt theo khe cửa xộc ra."Có người mắc kẹt trên này", Hoàng đứng ở tầng 3, nghe tiếng đồng đội tri hô trên đầu mình. Anh lập tức xông lên. Thứ bảo vệ duy nhất cho Hoàng khi ấy là bộ quần áo tráng nhôm chịu nhiệt 500 độ C.
Khói cay xè mắt, che khuất tầm nhìn. "Nạn nhân đâu", Hoàng hỏi. Phía ngoài chuồng cọp, hai đồng đội chỉ xuống sàn. Giang nằm úp sấp, bất động trên lối đi giữa giường và tủ. Hoàng đỡ nạn nhân nằm ngửa, nghe tiếng tim còn đập nhưng hơi thở khò khè, yếu ớt. Một chiến sĩ tên Hiếu vội nhường chiếc bình oxy. Hoàng chụp vào mặt nạn nhân, rồi cõng xuống.
Anh lính cứu hỏa nặng 76 kg cõng trên lưng chàng trai nặng hơn 80 kg, dò dẫm từng bước trong màn khói dày đặc. Ra đến cửa phòng, hai người kẹt lại. Cửa chỉ mở một cánh, cánh còn lại bị đồ đạc bít kín không đẩy được ra. Một giây lưỡng lự, Hoàng vứt mũ bảo hộ của mình, tháo luôn bình thở của nạn nhân, lách người bước xuống cầu thang rộng chưa đầy một mét.
Khói, hơi nóng, ngột ngạt, tất cả khiến đầu óc Hoàng choáng váng, Giang vẫn bất tỉnh trên lưng anh. Tới chiếu nghỉ giữa tầng 3 và 2, anh lính kiệt sức phải ngồi nghỉ gần một phút. "Mình mà ngất thì cả hai cùng chết. Phải thoát ra ngoài", ý nghĩ trong đầu thôi thúc Hoàng dồn hết sinh lực cõng nạn nhân chạy tiếp xuống.
Đến khi xông được ra ngoài, chuyển Giang qua tay đồng đội, Hoàng ngồi vật ra đường, thở hắt, mặt đen kịt vì ám khói, đầu ướt sũng. Nạn nhân được sơ cứu rồi đưa vào bệnh viện. Hoàng ngồi nghỉ một lúc, rồi lại lao vào phụ anh em chữa cháy.
Giang bị ngạt khói, phải chuyển vào khoa chống độc của Bệnh viện Bạch Mai. Sau đám cháy ba ngày, Hoàng bị sốt xuất huyết, nằm viện gần nửa tháng, sút mất 6 kg. Các chiến sĩ của Đội phòng cháy chữa cháy Đống Đa cũng lần lượt nhập viện vì sốt xuất huyết. Kế hoạch đi thăm Giang phải hoãn lại.
Hôm ấy, ông Nguyễn Viết Thành đang ở Minh Khai, nghe tin nhà cháy tức tốc chạy về Núi Trúc, rồi lại chạy từ đám cháy thẳng vào viện khi biết con đi cấp cứu. Anh Thành cho hay Giang sống với mẹ. Vụ cháy xảy ra đúng lúc người mẹ đi vắng, cậu con trai ngủ một mình trên tầng 4.
"Vừa tỉnh lại, thằng bé đã hỏi ngay ai cứu con", người cha kể. Gần một tháng chăm con, ông Thành vẫn chưa thể gặp các chiến sĩ để nói lời cảm ơn, chỉ mới trò chuyện qua điện thoại.
"Bất kỳ người nào thì cũng sẽ lao lên tầng như em thôi. Bản năng của lính phòng cháy ấy mà", Hoàng nhớ lại giây phút lao lên tầng bốn không chút lưỡng lự. Cậu cũng cho rằng nếu không có sự hỗ trợ của anh em, người cầm lăng cứu hỏa, người phá cửa, người nhường bình oxy thì không thể đưa nạn nhân thoát ra an toàn.
Sau đám cháy, Hoàng bị mẹ và vợ phàn nàn khi cõng người ra mà không đội mũ bảo hộ. "Khe cửa lẫn cầu thang rất hẹp. Nếu đội mũ, đeo thiết bị thì không thể lách người ra được, khéo chết cả hai anh em", Hoàng giải thích lý do liều mình vứt đồ bảo hộ. Cậu chỉ áy náy không biết dọc đường có làm Giang bị xây xát hay bỏng không. Trên người Hoàng có hai vết sẹo nhỏ, một ở mu bàn tay, một ở bắp tay - dấu tích sau 6 năm vào nghề. Sẹo bỏng trở thành đặc trưng của lính cứu hỏa. Những người vào nghề càng lâu thì vết bỏng càng nhiều.
Bốn năm về Đội phòng cháy chữa cháy Công an quận Đống Đa, trung úy 27 tuổi không nhớ đã tham gia bao nhiêu vụ cứu hỏa. Đống Đa mật độ dân số cao nhất thành phố, nhiều nhà tập thể cũ, ban công bắn thành "chuồng cọp". Tiếp cận, cứu người hay thoát nạn đều khó. Trụ sở Đội phòng cháy chữa cháy nằm trên phố Giảng Võ. Đầu hai chiếc xe chữa cháy luôn hướng ra phía ngoài đường, nhận lệnh là lăn bánh trong vòng 2 phút. Nhưng đến được hiện trường nhanh hay chậm còn tùy vào vị trí đám cháy, đường tắc hay không, may mắn thì không bị các phương tiện khác ngăn trở.
"Tao báo cháy từ đời nào rồi mà giờ chúng mày mới đến. Nhà tao cháy hết rồi còn đâu" - Những câu như thế, Hoàng với đồng đội vẫn nghe đều đều.
Hoàng Phương - Tất Định