Hơn 10 ngày trước, Hà Nội thử nghiệm rải chế phẩm Redoxy3C trên sông Tô Lịch, ở hai vị trí là phố Nguyễn Đình Hoàn (Cầu Giấy) và cầu Khương Đình (Thanh Xuân) với diện tích mỗi nơi hơn 100 m2 được quây bằng tấm sắt.
Theo quan sát, hôm nay 12/6, cả hai nơi thử nghiệm đều có mặt nước tĩnh và trong hơn không đáng kể so với khu vực không được rải chế phẩm. Tuy nhiên, mùi nước ở khu vực thử nghiệm đã giảm độ nồng và hôi, xuất hiện một số sinh vật, váng bẩn nổi lên và có hiện tượng sủi bọt ở quy mô nhỏ.
Ông Võ Tiến Hùng - Chủ tịch Công ty thoát nước Hà Nội nói, "bước đầu khu vực thử nghiệm đã cho kết quả khả quan, cụ thể là lượng oxy tăng lên đáng kể, trong khi trước đó nhiều đoạn oxy rất thấp hoặc không có, ngoài ra mùi hôi cũng bớt đi".
Theo ông Hùng, để có kết quả khách quan về việc thử nghiệm, thành phố đã giao một đơn vị quan trắc độc lập vào cuộc cùng Công ty thoát nước theo dõi các chỉ số, sự thay đổi của nguồn nước và sẽ tổng hợp báo cáo Thành phố xem xét các bước tiếp theo.
"Kết quả thử nghiệm của Công ty sẽ được báo cáo lên Sở Xây dựng vào chiều 12/6 để Sở đánh giá, còn việc có tiếp tục thử nghiệm hoặc nhân rộng sử dụng chế phẩm này hay không do thành phố quyết định", ông Hùng nói.
Thường xuyên làm việc ở khu vực cầu Khương Đình, Chị Nguyễn Thị Huyền ở quận Thanh Xuân nhận xét, "đến nay không nhận thấy nhiều sự khác biệt về sự thay đổi của việc thử nghiệm chế phẩm sinh học trên sông Tô Lịch. Thỉnh thoảng thấy mùi hôi không còn nồng nặc như trước nhưng cũng có thể do thời tiết và hướng gió thay đổi".
Chỉ tay về hai cống nước thải đổ ra sông Tô Lịch cạnh vị trí thử nghiệm chế phẩm, chị Huyền nói, "nếu không xử lý được nguồn nước bẩn này, tôi nghĩ dù công nghệ tiên tiến đến mấy cũng khó giải quyết được tình trạng ô nhiễm".
Là chuyên gia về môi trường nước, Phó chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam GS Mai Đình Yên cho rằng, thử nghiệm giải cứu ô nhiễm trên sông Tô Lịch bằng chế phẩm của Đức là việc cần làm, tuy nhiên cuộc thử nghiệm này lẫn cuộc thử nghiệm bằng công nghệ nano của Nhật trước đó không giải quyết tận gốc và sẽ rất tốn kém nếu làm ở quy mô lớn.
"Sông Tô Lịch có hàng trăm cống nước bẩn hằng ngày thải ra và kéo dài tới 14 km, để giải quyết được ô nhiễm cần phải xử lý tận gốc nguồn thải, đồng thời xây dựng cơ chế tự làm sạch bằng nguồn nước tự nhiên, ví dụ dẫn nước từ Sông Hồng vào". GS Yên nói.
Chế phẩm Redoxy3C dạng bột hột để rắc hoặc phun xuống hồ ô nhiễm khiến các chỉ số pH kiềm, nồng độ TSS, BOD, COD... và mật độ coliform trong các hồ giảm, thông số thủy lý hoá không vượt ngưỡng. Các loài sinh vật, thủy sinh sinh trưởng và phát triển tốt.
Năm 2017 Hà Nội bắt đầu sử dụng chế phẩm này để giải cứu 87 hồ ô nhiễm trong nội đô, kết quả cho thấy hầu hết các hồ được rải chế phẩm có chỉ số oxy hoà tan tăng cao, hệ sinh thái hồ được phát triển và màu nước trong xanh hơn.
Hà Nội dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ sử dụng chế phẩm này giải cứu hơn 100 hồ ô nhiễm còn lại ở các quận nội, ngoại thành.
Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây. Năm 1889 người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường.
Sông Tô Lịch ngày nay có chiều dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 200 cửa xả nước thải, màu nước ở đây quanh năm có một màu đen và nhiều khu vực bủa vây bởi rác thải, hôi thối.