Tổng hợp văn bản trả lời kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã nêu phản ánh của cử tri TP Đà Nẵng về việc, hiện nay, "ở một số địa phương, vùng miền của đất nước đều có sự xuất hiện của người Trung Quốc, nhất là các dự án kinh tế, nhà máy đặt ở các vùng nhạy cảm về an ninh quốc gia".
Do vậy, cử tri Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ cần "xem xét cẩn trọng, cảnh giác" để đảm bảo an ninh, chủ quyền quốc gia.
Trả lời kiến nghị trên, công văn của Bộ Công an nêu, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, đang triển khai 6.175 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 65 tỷ USD.
Các dự án của Trung Quốc có ở hầu hết các địa phương, tập trung chủ yếu ở thành phố lớn, khu kinh tế trọng điểm, các tỉnh ven biển, biên giới và trên nhiều lĩnh vực khác nhau. "Các dự án đã góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung, các vùng miền có dự án đầu tư nói riêng; đồng thời củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước", công văn nêu.
Tuy nhiên, theo Bộ Công an, một số dự án do Trung Quốc làm chủ đầu tư còn vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Trong đó, một số dự án bỏ vốn đầu tư thấp, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, giá thành rẻ, chất lượng thấp, thời gian thực hiện kéo dài; chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường; nhà thầu lợi dụng kẽ hở quy định về quản lý lao động, quản lý xuất, nhập cảnh để đưa lao động phổ thông vào Việt Nam hoặc sử dụng lao động người Trung Quốc trái phép (không có giấy phép lao động, sử dụng visa du lịch, làm giả giấy tờ, hồ sơ hợp pháp hóa lãnh sự)...
Bên cạnh đó, công văn của Bộ Công an cũng đề cập đến tình trạng doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc "núp bóng" người Việt mua bán bất động sản tại các khu vực ven biển để chuyển mục đích sử dụng sang đất thương mại, dịch vụ hoặc thuê diện tích đất dọc ven biển, khu vực biên giới biển, biên giới đất liền; thâu tóm các vị trí đất đẹp, trung tâm...
Ngoài ra, số lượng người Trung Quốc vào Việt Nam du lịch, công tác, học tập tăng nhanh đi cùng với nhu cầu sở hữu, thuê, mua nhà ở tập trung đông đúc, lập gia đình, sinh con nhưng không đăng ký với chính quyền địa phương; nhiều trường hợp không tuân thủ pháp luật Việt Nam, gây mâu thuẫn với người dân địa phương, thậm chí sang Việt Nam hoạt động phạm tội, trốn truy nã...
Trước tình hình trên, Bộ Công an đã tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam ngay từ khâu thẩm định, cấp phép, kiểm tra, giám sát các dự án.
Bộ Công an cũng kiến nghị các bộ, ngành chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến năng lực, điều kiện hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài; khắc phục tình trạng dự án "treo", nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm, chuyển nhượng dự án trái phép...
Công an các đơn vị, địa phương được giao tập trung điều tra, nắm tình hình hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài; kịp thời phát hiện các vi phạm về hợp đồng, tiêu chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo yêu cầu về môi trường, sử dụng lao động trái phép... để đề xuất biện pháp xử lý; nâng cao hiệu quả quản lý xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại đối với người nước ngoài tại Việt Nam.
Bốn năm trước, thông tin tại buổi họp báo về công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng hôm 9/10/2015, Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí cho biết, việc người Trung Quốc nhờ người Việt Nam mua đất, đứng tên hộ ở khu vực ven biển Đà Nẵng đang khiến người dân lo ngại.
Theo ông Trí, qua kiểm tra UBND thành phố đã phát hiện nhiều người Trung Quốc lợi dụng quen biết với người Việt Nam để nhờ đứng tên hộ khi mua đất ven biển. "Tuy nhiên, thành phố vẫn đang kiểm soát được khu vực này và chưa ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh", ông Trí nói.