Nguyễn Cửu Đàm (không rõ năm sinh) - danh tướng và cũng là nhà doanh điền thời chúa Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông là con trai thứ năm của Chánh thống cai cơ Nguyễn Cửu Vân. Thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777), ông làm võ quan với hàm Hữu quân Phó tiết chế, tước Đàm Ưng hầu.
Sau khi chiếm Chân Lạp, tháng 10/1771 vua Xiêm La đem hai vạn quân thủy, bộ kéo sang vây đánh thành Hà Tiên. Quan tổng binh Mạc Thiên Tứ không giữ được phải rút chạy. Trước tình hình đó, năm 1772, chúa Nguyễn Phúc Thuần sai Chưởng cơ Nguyễn Cửu Đàm làm Khâm sai Thống suất đốc chiến và Cai bộ dinh Quảng Nam Trần Phước Thành làm Tham tán đem 10.000 quân thủy bộ và 30 chiến thuyền đi đánh quân xâm lấn. Quân Xiêm nhanh chóng bị đánh khỏi Hà Tiên.
Thừa thắng, Cửu Đàm đưa quân theo đường Tiền Giang phối hợp với các cánh quân khác tiến đóng giữ Châu Đốc rồi lên Nam Vang (Phnompenh) đánh đuổi quân Xiêm La giúp vua Chân Lạp Nặc Tôn trở về nước. Sau cuộc tiến binh thắng lợi, Nguyễn Cửu Đàm cho quân rút về Gia Định giúp chúa Nguyễn củng cố các thành lũy, đặt các quan Cai cơ, Ký lục trông coi việc trấn giữ.
Việc này, sách Đại Nam nhất thống chí có chép: "Năm Nhâm Thìn đời Duệ Tôn (1772), người Xiêm La xâm lấn Hà Tiên, Nam Vang. Đàm làm Chánh thống suất, từ Tiền Giang, tiến đánh quân Xiêm ở Nam Vang, cả phá được, người Xiêm xin hòa, Chân Lạp lại được yên ổn".
Trong năm 1772, đề phòng sự tấn công trở lại của quân Xiêm, Cửu Đàm cho xây dựng lũy Bán Bích (lũy Tân Hoa) dài 15 dặm (hơn 8,5 km) ở địa giới hai huyện Bình Dương và Tân Long của đất Gia Định xưa (nay là quận 11, 10, 3) bao quanh đồn dinh. Lũy nối hai đầu rạch Bến Nghé và Thị Nghè, xuống đến cầu Bông, tạo một vòng cung bao quanh Sài Gòn như hòn đảo rộng khoảng 50 km2. Vì lũy có hình dáng như nửa bức tường, nên có tên gọi là Bán Bích.
Sử nhà Nguyễn mô tả: "Lũy cổ Bán Bích, ơ địa giới hai huyện Bình Dương và Tân Long, dài 866 trượng, hình dáng như nửa bức tường. Lại có lũy đất dài 1.323 trượng, Đốc chiến Tiên triều là Nguyễn Cửu Đàm đắp, nền cũ vẫn còn. Tên gọi Bán Bích là vì lũy có hình dáng như nửa bức tường".
Điều này cũng được ghi chép trong sách Đại Nam liệt truyện: "Duệ Tông Hoàng Đế năm thứ 7, Nhâm Thìn (1772)... Đàm dẫn quân về, đắp lũy Tân Hoa, dài 15 dặm, hình như bán nguyệt, bao quanh doanh trại chặn ngang đường bộ để đề phòng bất trắc".
Lũy Bán Bích đã làm cho Sài Gòn trở thành môt pháo đài bất khả xâm phạm trước các cuộc tiến công của ngoại xâm. Cùng với việc đắp lũy Bán Bích, Nguyễn Cửu Đàm còn chỉ huy đào kênh Ruột Ngựa (Mã Trường) giúp cho thuyền bè qua lại giữa lòng Sài Gòn với các tỉnh miền Tây thêm dễ dàng, thuận lợi.
Về kênh Ruột Ngựa, sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết: "Nguyên xưa từ Rạch Cát ra phía Bắc đến Lò Gốm thì có một đường nước đọng móng trâu, ghe thuyền đi lại không được... Nguyễn Cửu Đàm có đào con kênh thẳng như ruột ngựa nên mới đặt tên ấy".
Theo sử liệu, năm 1777, Nguyễn Cửu Đàm chết trận trong chiến dịch Ký Giang cùng Nội tả Chưởng cơ Phó tiết chế Tuấn Đức hầu Nguyễn Cửu Tuấn nhưng chưa rõ giao chiến với ai. Do nhiều công lao, năm 1810 Nguyễn Cửu Đàm được vua Gia Long cho thờ ở miếu Trung tiết công thần tại Huế. Hiện ở quận Tân Phú, TP HCM có con đường mang tên ông và tên Lũy Bán Bích.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, Nguyễn Cửu Đàm vừa là nhà quân sự có tài vừa là nhà quy hoạch có tầm nhìn lớn. Quan sát bản đồ, lũy Bán Bích đã tạo cho Sài Gòn biệt lập như một hòn đảo với ba mặt sông, một thể thống nhất về địa lý kinh tế, xã hội và bố phòng. Trong thực tế, quân Xiêm đã xâm phạm bờ cõi phía Nam nhiều lần, song đều bị quân Việt đánh tan trước khi tới cửa ngõ thành phố.
Theo quan niệm của Pháp và vua Gia Long, năm 1790 là khai sinh thành phố Sài Gòn (Ville de Sai Gon), vì năm ấy là năm xây thành Bát Quái và lập Gia Định kinh. Nhưng theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Sài Gòn đã là thành phố từ khi Nguyễn Cửu Đàm xây lũy Bán Bích năm 1772, vì "khi ấy phố xá, thương cảng đã được bảo vệ bởi một vách thành dài 15 dặm".
Lũy Bách Bích đã đặt nền móng cho việc xây dựng thành phố Sài Gòn hiện đại sau này. Bằng chứng là đến năm 1862, một người Pháp là Coffyn vẽ dự án quy hoạch thành phố Sài Gòn cho 500.000 dân cũng lấy Bán Bích làm địa giới. Vì vậy, người ta coi Nguyễn cửu Đàm là một người có tầm nhìn xa hiểu rộng, nhà quy hoạch đầu tiên của thành phố Sài Gòn.
Năm 1788, sau khi lấy lại Gia Định từ nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh thấy lũy đất tuy vững chắc và rộng lớn nhưng chưa đủ sức bảo vệ thủ phủ Gia Đinh, nên giao cho Trần Văn Học cùng một số người Pháp như Olivier de Puymanel, J.M.Dayot, Le Brun… xây một thành trì lớn theo kiểu phòng thủ quân sự phương Tây.
Trung Sơn