Thanh Mai (25 tuổi) thi đấu môn Tiếp sức quân y tại Hội thao quân sự quốc tế Army Games 2019, trên thao trường Forish đầy nắng gió, nhiệt độ luôn trên 40 độ C ở Tashkent (Uzbekistan). Các bài thi Ban tổ chức đề ra đòi hỏi thí sinh phải có thể lực, thể hình, sức bền và kỹ thuật cấp cứu giỏi. Đối thủ của cô là những quân nhân từ Uzbekistan, Nga, Belarus, Kazakhstan...
Phần thi đầu tiên ngày 5/8, Mai bắn súng ngắn Makarov (dành cho bác sĩ) ở cự ly 25 m. Thực hiện hai loạt bắn chậm (10 viên trong 3 phút) và bắn nhanh (10 viên một phút) tư thế đứng bắn một tay, Mai đạt kết quả thứ 4/11, kém người đứng thứ ba từ Belarus 2 điểm.
Vị trí này khiến cô buồn, thất vọng bởi phần thi sau còn khốc liệt hơn mang tên chạy vật cản.
Bãi vật cản mà Thanh Mai phải vượt qua gồm ném lựu đạn 10 m, chui hầm, vượt hầm 1 m, nhảy tường 1 m, nhảy qua cầu thang đổ 1,2 m, bê hai hòm đạn 10 kg, bò qua gầm xe thiết giáp, chạy ngược lại lắp súng, chạy dích dắc, rồi chạy đường pitch khoảng 300 m để đến địa điểm làm kỹ thuật cấp cứu thương binh. Khả năng Mai có thể vượt qua các đồng nghiệp to khỏe quá mong manh.
Khoảnh khắc ấy, nhớ đến lời động viên của thủ trưởng, của gia đình, Mai gạt bỏ mọi tâm tư, dồn toàn bộ năng lượng để lao qua các vật cản. Cô nhanh chóng bê hai thùng đạn qua đoạn hào dài 3 m. "Khó nhất là chui qua gầm xe thiết giáp vì thao trường nhiều gió, cát bay mù mịt. Tôi cố nín thở để tránh bụi khi chui qua gầm xe. Nhưng vì vừa dốc sức chạy qua bãi vật cản, tôi chỉ nín thở được khoảng nửa đường, còn lại phải hít vào khá nhiều bụi, mắt thì mở mà không còn thấy đường nữa", Mai nhớ lại.
Khó khăn chưa dừng lại, sau bãi vật cản, chạy một quãng đường dài, các thí sinh phải xách túi cấp cứu nặng 10 kg bước vào nhiệm vụ quan trọng nhất của bác sĩ quân y: cấp cứu bệnh nhân.
"Tay nặng chân run, lúc đó tôi tưởng không còn chạy nổi nữa. Dừng hít thở sâu, nhớ lại cả chặng đường học tập, làm việc đã vượt qua, tôi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh", Mai kể. Ngay sau đó, cô làm kỹ thuật cấp cứu cho thương binh (ma-nơ-canh) bằng cách mở khí quản, chọc khí khoang màng phổi, hồi sinh tim phổi.
Các động tác của nữ quân nhân Việt Nam được tổ trọng tài, chuyên gia quan sát trực tiếp bên cạnh đánh giá cao.
Phần thi cuối cùng là thực hành trong trạm quân y tiền phương, Mai phải thực hiện hàng loạt kỹ thuật y khoa. Ở trạm 1, cô đọc X-quang hai phim; trạm 2 đọc điện tim, nghe tim phổi; trạm 3 tiêm tĩnh mạch và khâu vết thương; trạm 4 là hồi sinh tim phổi. Mỗi trạm cô chỉ có 8 phút nên phải tối ưu hóa các động tác, làm nhanh, dứt khoát.
Kỹ thuật hồi sinh tim phổi trong trạm chấm chặt chẽ hơn nhiều so với ở thao trường vì ban tổ chức kết nối ma-nơ-canh với máy tính. Các thao tác được tính theo lực ép, thời gian ép, thời gian giữa các nhịp ép, lưu lượng thở... Từ đó, máy quy ra phần trăm cứu sống thương binh.
Kết quả, cô xếp thứ hai nội dung xử trí cấp cứu tối khẩn cấp trên chiến trường, thứ ba về chẩn đoán và điều trị ở bốn trạm quân y tiền phương; thứ tư về bắn súng.
Tổng kết phần thi cá nhân, nữ bác sĩ Việt Nam giành huy chương đồng, đứng sau Kazakhstan (huy chương vàng), Belarus (huy chương bạc); là thành viên nữ duy nhất của Việt Nam ở môn thi Tiếp sức quân y được vinh danh tại hội thao.
"Từ sự lo lắng, mệt mỏi, hụt hơi, thở dốc, đôi khi nản chí khi tập luyện" đến lúc "biết làm chủ bản thân, phân phối sức lực hợp lý", Mai đã thể hiện ý chí kiên cường của nữ quân nhân Việt Nam tại Hội thao Quân sự quốc tế. Cô nói cuộc thi đã giúp cô trải nghiệm không khí chiến trường khốc liệt, hiểu hơn nhiệm vụ của một bác sĩ quân y.
Đội tuyển Quân y Việt Nam dự thi Army Games lần thứ 2. Đội giành kết quả chung cuộc phần thi đồng đội cả nam và nữ vị trí thứ 6, xếp hạng toàn đoàn thứ 7. Nội dung chẩn đoán và điều trị trong Trạm Quân y tiền phương, Việt Nam có hai bác sĩ đều giành vị trí thứ 3 là Nguyễn Thị Thanh Mai và Lê Văn Hướng.
Hội thao quân sự quốc tế Army Games 2019 gồm nhiều nội dung như đua xe tăng, Hóa học, Bếp Dã chiến, Quân y..., thu hút hơn 6.000 quân nhân thuộc 223 đoàn đến từ 39 quốc gia. Các nội dung của hội thao được tổ chức tại thao trường của 10 nước gồm Nga, Azerbaijan, Armenia, Belarus, Ấn Độ, Iran, Kazakhstan, Trung Quốc, Mông Cổ và Uzbekistan.