Bốn bể chứa nước sông với mỗi bể rộng khoảng 15 m2 được lắp đặt 3 ngày trước để trình diễn việc xử lý nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreator.
Nhóm chuyên gia Nhật và công nhân bơm nước sông màu đen từ ngoài khu vực xử lý vào bể đầu tiên chứa tấm vật liệu Bioreactor. Sau đó, nước chảy qua bể đặt máy Nano, rồi đến bể lắng và chảy vào bể nước cuối cùng, nơi ông Kubo Jun tắm.
"Khi vớt nước sông lên rửa mặt, tôi thấy không mùi và không có cảm giác ngứa hay khó chịu", ông Kubo Jun nói.
Theo ông, việc dựng các bể xử lý như trên là mô phỏng quá trình thí điểm làm sạch nước bằng công nghệ Nhật Bản đang diễn ra dưới lòng sông Tô Lịch; qua đó giúp những người dân Hà Nội quan tâm đến việc này cảm nhận rõ hơn công việc mà nhóm chuyên gia đang thực hiện. "Đây chỉ là trình diễn, không phải chúng tôi sẽ xử lý toàn bộ nước sông Tô Lịch bằng các bể này", TS Kubo Jun giải thích thêm.
Đánh giá sự việc trên, GS Trần Hiếu Nhuệ - Viện trưởng Kỹ thuật nước và công nghệ môi trường nói, các chuyên gia Nhật Bản đã "thể hiện sự khao khát chứng minh công nghệ xử lý nước của họ có hiệu quả tốt". Tuy nhiên, theo GS Nhuệ, để biết chính xác nguồn nước trong bể thứ tư - đã qua xử lý - đạt quy chuẩn hay không thì phải bằng các chỉ số qua xét nghiệm.
"Nhiều ngày qua, sông Tô Lịch có lượng nước mưa lớn hoà tan với nước ô nhiễm, nên quá trình xử lý nước sông cũng cần phải được tiến hành khách quan nhất có thể", GS Nhuệ nói.
Theo GS Nhuệ, bước đầu công nghệ Nano-Bioreator cho thấy kết quả khả quan là lớp bùn dày 90 cm trên sông Tô Lịch (ở khu vực thí điểm) đã giảm được một nửa và giảm mùi hôi.
"Tuy nhiên, chỉ riêng công nghệ này thì khó làm sạch được cả tuyến sông dài 14 km; cần phải kết hợp đồng bộ với các giải pháp khác như phải xây dựng hệ thống cống lưu thoát nước thải hai bên sông; dẫn nước từ sông Hồng vào thau rửa và tạo dòng chảy thì mới hồi sinh được sông Tô Lịch", GS Nhuệ nói.
Từ ngày 16/5, nhóm chuyên gia Nhật đã thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor đoạn từ ngã tư Bưởi - Hoàng Quốc Việt xuôi về phía Cầu Giấy. Kết quả thí điểm dự kiến công bố vào cuối tháng 7. Tuy nhiên đến ngày 9/7, Công ty thoát nước Hà Nội đã mở cửa xả 1,5 m3 từ Hồ Tây.
Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho rằng việc xả lượng nước lớn trong thời gian ngắn đã khiến họ không kịp chuẩn bị, "các vi sinh vật có lợi bị cuốn trôi". Do vậy, Tổ chức này đã gửi công văn đề nghị lùi thời gian thí điểm thêm 2 tháng (đến 17/9).
Công nghệ Nano-Bioreator gồm hai yếu tố là máy sục khí Nano tạo ra oxy trực tiếp kích hoạt vi sinh vật; các tấm vật liệu Bioreactor là chất xúc tác, cung cấp giá thể, tạo môi trường sống cho vi sinh vật. "Hai yếu tố này kết hợp thúc đẩy quá trình tự làm sạch nước, phân hủy bùn", TS Kubo Jun nói.
Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây. Năm 1889 người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường.
Sông Tô Lịch ngày nay bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía Nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cống, xả ra 150.000 m3 nước thải/ngày.
10 năm qua, thành phố Hà Nội đã nhiều lần lên kế hoạch làm sạch con sông nhưng chưa thành công.