Băn khoăn của người dân về chất lượng nước sạch, giá nước sinh hoạt được nêu ra tại cuộc toạ đàm về Giá nước sinh hoạt tổ chức tại Hà Nội ngày 28/11.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, việc định giá nước sinh hoạt đã được quy định rất chi tiết trong Nghị định của Chính phủ và các thông tư của Bộ Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo ông Thoả, Bộ Tài chính quy định khung giá nước sạch sinh hoạt, UBND cấp tỉnh quyết định biểu giá cụ thể. Công ty nước sạch quyết định giá bán nhưng phải nằm trong biểu giá của tỉnh. Đa số tỉnh quyết định mức giá bình quân đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất và có lợi nhuận tối thiểu 5%. Tuy nhiên, cũng có tỉnh áp giá nước thấp hơn chi phí sản xuất.
Ông Thoả cho rằng quy định khi xây dựng biểu giá nước sinh hoạt "phải tính đúng, tính đủ trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật" do các cơ quan có thẩm quyền ban hành, tuy nhiên định mức do Bộ Xây dựng ban hành chỉ để các tỉnh tham khảo. Chính sự linh hoạt này mà mỗi tỉnh có một biểu giá nước khác nhau, thậm chí cùng địa phương các công ty nước sạch cũng có giá bán khác nhau.
Theo Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, có ba lý do dẫn đến giá nước sạch cùng một địa phương khác nhau. Thứ nhất đầu vào sản xuất ra nước sạch (nước ngầm hay nước mặt) kéo theo chi phí xử lý khác nhau. Thứ hai là điều kiện thực tế của cơ cấu nguồn vốn, nếu nhà đầu tư vay 80% tổng mức đầu tư thì giá thành sẽ khác vay 50%, trong khi pháp luật cho phép tính lãi vay vào giá thành. Thứ ba, chi phí khấu hao tài sản cũng là một cấu phần của giá thành.
Việc hình thành giá còn có các yếu tố như điều kiện sản xuất, phương thức kinh doanh, quản trị doanh nghiệp...
Ông Trần Quang Hưng, nguyên Tổng thư ký hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, 63 tỉnh thành có 63 biểu giá nước sạch khác nhau, hơn 100 công ty cấp nước cũng có mức giá nhau, đó chính là đặc thù của ngành nước, bởi giá nước phụ thuộc vào đặc điểm kinh tế môi trường của từng địa phương.
Ông Hưng cho biết, nước là mặt hàng thiết yếu nhưng đang có giá thấp nhất so với các hàng hoá thiết yếu khác như điện, xăng dầu... Theo ông Hưng, nếu giá nước tăng lên 20.000 đồng mỗi mét khối người dân cũng sẽ đồng tình nhưng phải minh bạch, tính đúng.
Trước ý kiến của Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải về việc thành phố sẽ thuê đơn vị độc lập định giá nước sạch, nguyên Tổng thư ký hội Cấp thoát nước Việt Nam nhận xét cách làm đó là minh bạch và cần thiết.
Đại diện chính quyền Hà Nội dự toạ đàm, Phó giám đốc Sở Tài chính Mai Xuân Vinh cho biết, Hà Nội là đô thị đặc biệt, nếu áp khung giá Bộ Tài chính thì mức tối thiểu là 3.500 đồng một mét khối, tối đa 18.000 đồng mỗi mét khối. Hà Nội xác định nước sạch là hàng hoá đặc biệt, liên quan đến an sinh xã hội nên biểu giá được xây dựng thận trọng. Thành phố đang áp dụng biểu giá sinh hoạt được ban hành từ năm 2013. Theo đó, nếu người dân dùng dưới 10 mét khối thì giá khoảng 6.000 đồng mỗi mét khối; trên 30 mét khối là 16.000 đồng một mét khối.
Lãnh đạo Sở Tài chính cho rằng, biểu giá trên là phi thị trường vì đáng lẽ người dùng nhiều phải được giảm giá chứ không phải chịu giá cao hơn, nhưng thành phố vẫn áp dụng "để đảm bảo an sinh xã hội".
Cũng theo ông Vinh, Sở Tài chính đã được thành phố giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch, chính sách hỗ trợ giá cho vùng nông thôn, nhất là các xã xa trung tâm.
Khung giá nước sạch đang áp dụng theo thông tư 88 của Bộ Tài chính ban hành tháng 7/2012:
Giá nước sạch ở đô thị loại 1 cao nhất tới 18.000 đồng một mét khối và thấp nhất là 3.500 đồng một mét khối.
Giá nước sạch ở đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5 sẽ có mức giá mới tối đa là 15.000 đồng một mét khối và giá tối thiểu là 3.000 đồng một mét khối.
Ở khu vực nông thôn, mức tối thiểu 2.000 đồng và tối đa là 11.000 đồng một mét khối.
Võ Hải