Ngày 22/4, thông tin về đề xuất lấy nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch, ông Bùi Ngọc Uyên - Phó phòng đối ngoại truyền thông (Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội) cho biết, đây là nội dung nằm trong dự án "đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước Hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch" mà đơn vị vừa trình lên UBND TP Hà Nội.
Theo ông Uyên, nếu đề xuất được lãnh đạo thành phố thông qua, Công ty sẽ xây dựng, lắp đặt một trạm bơm chìm ở ngoài cửa khẩu An Dương với công suất cấp nước 156.000 m3 mỗi ngày đêm dẫn vào Hồ Tây. Sau khi nước hồ Tây được cải thiện bằng nước sông Hồng, Công ty điều tiết nước từ hồ qua hai cửa xả trên phố Trích Sài và đường Lạc Long Quân vào sông Tô Lịch để giúp làm sạch nước sông.
"Năm 2018, chúng tôi đã thử nghiệm xả nước ở hồ Tây ra sông Tô Lịch, bước đầu cho thấy dòng nước đen không còn, thay vào là màu nước xanh đặc trưng của hồ; mùi hôi thối, ô nhiễm cũng biến mất. Tuy nhiên việc này chỉ duy trì trong thời gian ngắn do quy mô thử nghiệm ở mức hạn chế", ông Uyên nói.
Đánh giá về đề xuất trên, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, "đây không phải ý tưởng mới vì nhiều cơ quan từng đề xuất nhưng chưa thực hiện được".
Theo ông Võ, việc lấy nước sạch hơn để thau rửa sông Tô Lịch về kỹ thuật "không có gì khó khăn", tuy nhiên chỉ giải quyết được phần ngọn vì nguồn gốc ô nhiễm là nước thải sinh hoạt đổ vào con sông này.
"Vấn đề mấu chốt là phải thu gom được nguồn nước thải sinh hoạt thành đường riêng, đưa về trạm xử lý, tuy nhiên việc này sẽ tốn kém hơn nhiều so với phương án rửa sông", ông nói.
Đồng tình với đề xuất lấy nước sông Hồng làm sạch hồ Tây, tuy nhiên, GS Mai Đình Yên - Hội sinh thái học Việt Nam nói Hà Nội cần tách riêng việc cải tạo nguồn nước hồ Tây và thau rửa sông Tô Lịch. "Việc đưa nước sông Hồng vào hồ Tây nên làm từ từ, để các nhà khoa học theo dõi biến động; nếu vội vàng làm mất thủy sinh vật đặc trưng, hồ Tây sẽ mất giá trị", GS Yên nói.
TS Nguyễn Văn Khải - người từng có nhiều công trình nghiên cứu về công nghệ làm sạch nước, chia sẻ quan điểm không đồng tình với đề xuất thau rửa sông Tô Lịch khi chưa làm sạch nước sông ở hạ lưu. "Khi nước ô nhiễm từ Tô Lịch bị cuốn ra sông Nhuệ, người dân nội thành được sạch hơn thì người dân ngoại thành, ở hạ nguồn phải gánh chịu. Như vậy khác gì đem nước bẩn từ nhà mình đổ sang nhà khác?", ông nêu vấn đề.
Theo TS Khải, để làm sông Tô Lịch sạch hơn, "có thể làm từ những việc nhỏ, ít tốn kém hơn", đó là xây dựng hố ga từ các ngõ, ngách đổ ra sông để giúp kiểm soát nước thải từ đầu nguồn.
Ông đưa ra phương án xử lý nước thải bằng cách xây 3 hố ga trước cửa xả nước thải ra sông Tô Lịch. Với phương án này, nước chảy từ hộ dân qua hố ga thứ nhất, hố ga thứ hai đều phải qua một bậc cao từ 15 – 20 cm, bùn cát sẽ lắng lại. Đến hố ga thứ ba rồi đổ ra sông, nước đã trong sạch hơn.
"Cùng với phương án này, để sông sạch phải trông chờ vào ý thức của người dân. Mỗi nhà làm một tấm chắn ở miệng cống, chặn lá cây, rác sẽ không gây tắc cống, giảm bớt ô nhiễm nước", ông Khải nói.
Trước ý kiến của các chuyên gia, ông Bùi Ngọc Uyên giải thích, để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm trên 14 km sông Tô Lịch, TP Hà Nội đã có dự án xây dựng hệ thống cống chạy dọc hai bên sông để thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.
Tuy nhiên, theo ông, "trong khi chờ dự án xử lý nước thải hoàn thiện, vẫn cần thiết phải thau rửa sông Tô Lịch, tạo dòng chảy để giảm bớt ô nhiễm, mùi hôi thối bốc lên, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân".
Cũng theo đại diện Công ty thoát nước Hà Nội, hiện nay hệ thống cống ở hai cửa xả từ hồ Tây đảm bảo việc thau rửa sông Tô Lịch sẽ diễn ra thuận lợi, "mở cửa xả trong một ngày có thể thấy ngay sự thay đổi của cả dòng sông ô nhiễm".
Sông Tô Lịch chảy qua các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì của TP Hà Nội. Từ nhiều năm nay, nước sông Tô Lịch bị ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối.
Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch. Toàn tuyến sông này có hơn 200 cống xả nước thải.
Bá Đô-Tất Định