Liên tục bốn ngày qua, lũ kết hơp triều cường gây ngập nặng nề tại Cần Thơ. Nhiều tuyến đường, nhà dân trung tâm thành phố này chìm trong biển nước, khiến cuộc sống người dân đảo lộn.
Ngày 10/10, mực triều cường trên sông Hậu tại Cần Thơ đạt 2,23 m, mức cao nhất từ trước đến nay. Năm 2011, triều cường cao nhất tại Cần Thơ chỉ đạt 2,15 m. "Mức triều cường năm nay bất thường", ông Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, nhận xét.
Ông Vinh cho rằng một trong những nguyên nhân chính khiến Cần Thơ bị ngập sâu là đất lún. Còn nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do khai thác nước ngầm quá mức. "Có thể Cần Thơ không xài nước ngầm nhiều nhưng các địa phương trong vùng sử dụng nguồn tài nguyên này rất lớn", ông Vinh nói và cho rằng, cả miền Tây đang lún, nhưng Cần Thơ là vùng trũng nên có cảm giác lún nhiều hơn.
Miền Tây mỗi năm lún 2-3 cm
Đồng quan điểm, tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Phó Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ - cho rằng diễn biến triều cường năm nay đặc biệt, cao bất thường. "Sự bất thường này có lý do từ tự nhiên và cả con người", tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói.
Tiến sĩ Tuấn phân tích, theo quy luật tự nhiên, nước lũ tràn về thường đi vào các vùng trũng rộng lớn đầu nguồn như Đồng Tháp Mười hay Tứ Giác Long Xuyên. Nhưng các vùng này hiện đã xây đê chắn lũ. Lũ năm nay lớn hơn mọi năm, khi nước không vào được các vùng này thì sẽ dồn xuống khu vực hạ nguồn, trong đó có Cần Thơ.
"Ở trung tâm Cần Thơ, nhiều tuyến đường được nâng cấp nhưng không đồng bộ, có chỗ cao chỗ thấp. Khi triều cường kết hợp với lũ về sẽ tràn vào các chỗ thấp gây ngập sâu", tiến sĩ Tuấn nói và cho biết đất lún cũng là một nguyên nhân quan trọng của tình trạng ngập nghiêm trọng ở Cần Thơ và cả miền Tây hiện nay.
Theo chuyên gia này, mỗi năm miền Tây bị lún 2-3 cm, gấp 10 lần nước biển dâng. Những nơi nền đất yếu có nhiều công trình hoặc chỗ bị rút nước ngầm nhiều thì mức độ lún nhiều hơn.
Trong báo cáo Tác động của 25 năm khai thác nước ngầm lên sụt lún đất ở đồng bằng sông Cửu Long, do Đại học Utrecht (Hà Lan) phối hợp với các chuyên gia Việt công bố năm 2017, cho thấy trong 25 năm qua (1991-2015), miền Tây đã sụt lún trung bình 18 cm; một số nơi, nền đất đã lún 25-35 cm. Nguyên nhân chính do khai thác nước ngầm. Trong đó, các tỉnh ven biển như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... mỗi ngày có hàng trăm nghìn mét khối nước được rút lên từ lòng đất.
Theo số liệu quan trắc từ năm 1995 đến nay, tốc độ hạ thấp mực nước trung bình trong các tầng nước ngầm ở miền Tây từ 0,15 m đến 0,4 m mỗi năm (tùy theo tầng chứa nước và từng khu vực).
Triển khai dự án 320 triệu USD kiểm soát ngập
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP Cần Thơ, những năm gần đây tình trạng ngập lụt diễn biến khá phức tạp, đã gây trở ngại đáng kể cho nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, hoạt động giao thông, vệ sinh môi trường và bộ mặt cảnh quan đô thị của thành phố. Đầu mùa lũ đến nay, có gần 130 ha lúa bị ngập úng; 8,5 tấn thủy sản nuôi bị thiệt hại; 113 m đê bao bị sạt lở.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP Cần Thơ cho rằng nguyên nhân ngập lụt có nhiều yếu tố như: vị trí địa lý, điều kiện địa hình, tác động của lũ thượng nguồn, triều cường dâng cao trên sông Hậu, mưa với cường suất lớn, hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh, quá trình đô thị hóa ...
UBND TP Cần Thơ cho biết đang thực hiện dự án Phát triển và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị có mức đầu tư hơn 320 triệu USD từ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (250 triệu USD), vốn tài trợ không hoàn lại của Cơ quan Phát triển Liên bang Thụy Sĩ (10 triệu USD) và đối ứng của địa phương. Dự án sẽ hoàn thành năm 2021, với mục tiêu kiểm soát ngập cho gần 2.700 ha vùng lõi các quận Ninh Kiều, Bình Thủy.
Trong đó, một phần của dự án sẽ xây dựng hơn 9 km kè sông Cần Thơ, sông Cái Sơn, rạch Mương Khai; kết hợp với 3 âu thuyền (Cái Khế, Đầu Sấu, Hàng Bàng), 9 cống ngăn triều cùng các Trạm bơm nhằm giảm các nguy cơ liên quan đến tình trạng ngập úng tại khu vực đô thị trung tâm Cần Thơ...
Cửu Long