Sau một năm kể từ khi Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh bị cách chức và nhiều lãnh đạo đương chức hoặc về hưu dính vòng lao lý, Đà Nẵng đang nỗ lực sắp xếp bộ máy nhân sự, khắc phục hàng loạt tồn tại từ nhiều nhiệm kỳ trước.
Cùng với đó, những phức tạp phát sinh của một đô thị "đang lớn" cũng đặt ra nhiều chướng ngại trên đường thực hiện mục tiêu "thành phố đáng sống".
Tội phạm ma tuý, cướp giật, giết người gia tăng, tình trạng thực phẩm bẩn, tai nạn giao thông... là các thách thức mà Đà Nẵng cần giải quyết tốt, nếu không muốn đi vào vết xe đổ của một số đô thị lớn khác.
Ô nhiễm môi trường
Dù dân số mới ở mức 1,2 triệu, nhưng Đà Nẵng đang phải đối mặt với lượng rác thải đô thị lớn. Trên dưới 900 tấn rác mỗi ngày của cư dân thành phố đang gom về bãi rác Khánh Sơn (phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu). Lượng rác thải lớn, cộng với việc xử lý không đảm bảo tiêu chuẩn dẫn đến ô nhiễm môi trường cho cư dân xung quanh.
Khi mới nhậm chức Bí thư Thành uỷ, ông Nguyễn Xuân Anh đã trực tiếp thị sát bãi rác, hứa quyết tâm xử lý điểm ô nhiễm này. Tuy nhiên hai năm qua, người dân vẫn sống chung với ô nhiễm. Những vụ chặn xe vào bãi rác kéo dài, lặp đi lặp lại. Thành phố chưa thể đóng cửa bãi rác vì Khu liên hợp xử lý chất thải rắn công suất 1.000 tấn mỗi ngày chưa hoạt động.
Tại buổi họp báo cuối tháng 9 vừa qua, ông Lê Quang Nam - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng cho hay, việc để xảy ra mùi hôi và nước thải rỉ rác chưa được xử lý đúng kỹ thuật, dẫn đến ô nhiễm môi trường cho khu dân cư xung quanh là trách nhiệm của Công ty môi trường đô thị Đà Nẵng.
Để giải quyết tạm thời, Sở Tài nguyên và UBND quận Liên Chiểu yêu cầu công ty điều chỉnh lại quy trình xử lý rác sinh hoạt gồm: giảm diện tích bề mặt hoạt động chôn lấp, lắp camera giám sát việc phun chế phẩm khử mùi 6 lần mỗi ngày.
Cách bãi rác Khánh Sơn không xa, hai nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý cũng đang gây ô nhiễm môi trường. Kết quả quan trắc cho thấy thông số bụi vượt quy chuẩn kỹ thuật, hai nhà máy thuộc loại độc hại cấp hai này còn gây ô nhiễm tiếng ồn khi không đảm bảo khoảng cách ly tối thiểu 500 m, không trồng cây xanh đủ diện tích theo đánh giá tác động môi trường... Đến nay, chính quyền vẫn lúng túng giữa việc di dời dân hay di dời nhà máy.
Xuôi về các bãi tắm, tình trạng nước thải tràn qua cống xả cũng chưa được xử lý, dẫn đến các bãi tắm T20, Mỹ Khê, Sao Biển... đang bị ô nhiễm. Nhiều chủ đầu tư các dự án ven biển còn đấu nối nước thải của công trình vào đường ống thu gom nước thải chung của thành phố, dẫn đến tình trạng nước bốc mùi hôi thối tràn ra biển bất cứ lúc nào.
Mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã giao Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thành phố hoàn thiện thủ tục xây dựng cơ bản để thực hiện dự án thu gom nước thải ven biển, tổng kinh phí thực hiện hơn 210 tỷ đồng.
Sai phạm xây dựng
Giai đoạn phát triển nóng về du lịch, khách sạn mọc lên như nấm sau mưa đã để lại nhiều hệ luỵ. Năm vừa qua, cơ quan chức năng Đà Nẵng liên tiếp phải xử lý những doanh nghiệp xây dựng sai phép. Nổi cộm là nhiều dự án trên tuyến đường biển Võ Nguyên Giáp.
Trong đó, khách sạn Eden được thành phố cấp phép xây dựng 96 phòng ngủ nhưng chủ đầu tư đã tự điều chỉnh lên 225 phòng (tăng 129 phòng); khách sạn 7 Seven Sea xây tăng thêm một tầng nổi; nhiều khách sạn chưa nghiệm thu đã hoạt động...
Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên xây trái phép từ tầng 2 đến tầng 5. Khi chính quyền dự kiến cưỡng chế (ngày 20/8), thì lại phát hiện hàng loạt sai phạm khác của tổ hợp này, cụ thể như cơi nới thêm nhiều diện tích phía trên làm căn hộ.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã chỉ đạo phải xử lý nghiêm sai phạm trong lĩnh vực xây dựng. Ông cũng nhìn nhận, sai phạm kéo dài có trách nhiệm của chính quyền khi chưa xử lý "đến nơi đến chốn" ngay từ đầu.
Niềm tin của người dân đã trở lại?
Đại tá Nguyễn Trí Tổng (83 tuổi, nguyên Chủ nhiệm chính trị Bộ tham mưu Quân khu 5) cho rằng, trong thời gian dài nhiều người dân Đà Nẵng tự hào vì thành phố quê hương là điểm sáng ở miền Trung bao nhiều thì một năm qua, họ phiền lòng bấy nhiêu trước những điều tiếng.
Ông Tổng thẳng thắn đánh giá, một năm qua Đà Nẵng chưa có nhiều chuyển biến, nhưng Bí thư Thành uỷ Trương Quang Nghĩa và tập thể lãnh đạo đã đoàn kết, đặt nền móng cho những công việc đáng khích lệ.
"Tôi ủng hộ chủ trương của thành phố lấy lại lối xuống biển cho người dân vì bị các resort bịt kín, sửa sai ở nhiều dự án", ông Tổng nói và cho rằng lãnh đạo Đà Nẵng phải tiếp tục củng cố đội ngũ, chọn lựa người có đức, có tài cho bộ máy lãnh đạo; không thể để tình trạng cán bộ làm lấy lệ cho qua ngày, như vậy các chướng ngại sẽ không được giải quyết và Đà Nẵng không thể phát triển được.
Đồng quan điểm, đại tá Đặng Vân (thành viên Câu lạc bộ Thái Phiên) nói dư luận thành phố đang dõi theo việc đội ngũ lãnh đạo hiện nay "vật lộn" ra sao với những sai phạm do cán bộ thời kỳ trước để lại, cụ thể như cấp phép nhà máy thép gây ô nhiễm, bán sân vận động Chi Lăng...
"Chuyển biến cụ thể thì phải chờ thêm thời gian. Nhưng quan trọng nhất là lòng tin của nhiều người dân đã quay trở lại", ông nhận xét.
Ông Tô Văn Hùng - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, cho biết sau gần 21 năm chia tách và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu như quy mô khu trung tâm tăng lên ba lần; hạ tầng, đường sá phục vụ người dân cũng đáp ứng phần nào nhu cầu.
Tuy nhiên, quá trình phát triển nóng đã có nhiều cán bộ vi phạm, "hậu quả đã có người gánh chịu, nhiều cán bộ bị khởi tố, mọi thứ lật bài ngửa ra rồi thì chính quyền, người dân và ngay cả doanh nghiệp phải thẳng thắn nhìn vào sự thật để giải quyết".
Ông cho rằng, một trong những công việc ưu tiên của Đà Nẵng lúc này là xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045; đồng thời thuê chuyên gia điều chỉnh quy hoạch về không gian đô thị.
"Tấm áo Đà Nẵng đang mặc đã quá chật và kỳ vọng lần này may áo mới sẽ không lặp lại sai lầm trước đây", ông Hùng nói.