Ngày 13/3, tỉnh Nghệ An phát hiện ổ dịch lợn tả lợn châu Phi tại gia đình bà Hồ Thị Hoa ở xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu. 22 con lợn bị tiêu hủy trong ngày.
Gia đình bà Hoa có hai con lợn nái 11 năm tuổi và một năm cùng 20 lợn con. Hàng ngày bà tận dụng bột ngô, cám gạo của nhà kết hợp với thức ăn chăn nuôi mua của đại lý trong xã để làm thức ăn cho gia súc. Cám ngô và gạo được nấu chín để nguội, sau đó trộn lẫn thức ăn chăn nuôi, đổ cho lợn ăn.
Một tuần trước, gia đình bà Hoa được cán bộ xã cấp thuốc phun khử trùng và khuyến cáo rắc vôi bột tại chuồng lợn để phòng chống dịch tả lợn châu Phi khi hay tin đã bùng phát tại tỉnh Thanh Hóa... Tới ngày 10/3, bà phát hiện hai con lợn nái và hai lợn con loại một tháng bỏ ăn.
"Thấy lợn ốm, nghĩ bị cảm thông thường như trước đây rồi tự khỏi, nhưng tới chiều 12/3 bốn con lăn ra chết, tôi phải trình báo chính quyền...", bà Hoa kể và cho biết không phát hiện những dấu hiệu bất thường bên ngoài con lợn. Một ngày sau khi lấy mẫu xét nghiệm, nhà chức trách xác định những con lợn chết dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi nên tiêu hủy và làm thủ tục hỗ trợ.
Về nguồn bệnh xuất hiện tại gia đình, bà Hoa nói rất bất ngờ, không rõ đường nào lây nhiễm. Hàng ngày, gia đình bà và người dân trong làng vẫn mua thịt lợn do người bán rong chở bằng xe máy đi qua. Mong muốn của bà là sớm nhận tiền hỗ trợ từ chính quyền và được chăn nuôi trở lại để cải thiện thu nhập.
Sau khi phát hiện ổ dịch ở gia đình bà Hoa, lực lượng chức năng đã phun hóa chất khử trùng, rắc vôi bột, rải vỏ trấu lên nền chuồng chăn nuôi để đốt. Xung quanh chuồng nuôi rộng chừng 30 m2 cũng được rắc vôi.
Tại hai đầu đường liên xã đi qua xã Quỳnh Mỹ, nơi đang nuôi khoảng 300 con lợn, hai chốt kiểm dịch được lập để kiểm soát tất cả xe qua lại. Phương tiện đều phải phun hóa chất khử trùng và cho đi qua một thảm bằng rơm rạ có rắc vôi bột dài chừng 5 m. Người đi bộ cũng phải đi qua thảm rơm rạ đó.
"Gần 10 cán bộ xã và cán bộ thú y huyện, phòng nông nghiệp túc trực 24/24h để làm nhiệm vụ và chưa biết khi nào sẽ dừng. 9 hộ chăn nuôi trong xóm nhà bà Hoa cũng được rắc vôi, phun hóa chất khử trùng thường xuyên. Người bán thịt lợn rong đã bị cấm", ông Lê Xuân Thanh, Chủ tịch xã Quỳnh Mỹ nói.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho hay, ngoài các chốt kiểm dịch ở xã Quỳnh Mỹ, tỉnh còn hai chốt kiểm dịch đặt trên quốc lộ 1A ở thị xã Hoàng Mai và đường mòn Hồ Chí Minh ở huyện Nghĩa Đàn. Tại đây, cán bộ túc trực 24/24h trong nhiều ngày để phun hóa chất vào xe chở lợn từ Bắc vào Nam và ngược lại.
Giám đốc Sở Nông nghiệp khuyến cáo, người dân không được giấu dịch khi phát hiện lợn bị ốm hoặc chết không rõ nguyên nhân; không giết mổ, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khi phát hiện lợn dịch. Với những hộ có lợn chết, tỉnh sẽ hỗ trợ 38.000 đồng/kg với lợn thịt và hơn 50.000 đồng với lợn nái. Tỉnh chỉ đạo huyện trích ngân sách để hỗ trợ người chăn nuôi sớm nhất.
"Với những hộ chăn nuôi ở vùng dịch như xã Quỳnh Mỹ, nếu có người muốn bán lợn thì cán bộ thú y phải lấy mẫu kiểm dịch trước khi cho đưa ra khỏi xã. Thời gian test mẫu vật tối thiểu mất 5 giờ", ông Hiếu nói và trấn an người tiêu dùng "không nên quay lưng với thịt lợn".
Nghệ An có đàn lợn hơn 935.000 con, đứng tốp 10 cả nước.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2017 đến tháng 2/2019, 20 quốc gia báo cáo ghi nhận bệnh dịch. Tổng cộng hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.
Tại Việt Nam ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên ngày 1/2. Đến cuối ngày 12/3, dịch đã xảy ra tại 136 xã, phường của 13 tỉnh thành, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình và Nam Định. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy hơn 14.000.