Dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng trên nhiều địa phương, tại Thanh Hoá đã ghi nhận ổ dịch thứ hai ở gia trại của một hộ dân ở xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hoá sau ổ dịch đầu tiên ở xã Định Long, huyện Yên Định.
Chiều 5/3, thấy bốn con lợn chết bất thường, gia đình anh Nguyễn Khắc Hùng (44 tuổi, xã Thiệu Phúc) đã báo chính quyền địa phương. Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho mổ ba con lợn đang còn sống để lấy mẫu đưa đi xét nghiệm. Kết quả, đàn lợn của gia đình anh Hùng dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau đó, lực lượng thú y cùng chính quyền địa phương đã cho tiêu hủy đàn lợn 10 con, nặng gần 900 kg tại trang trại này.
Tuy nhiên, theo chủ trại lợn, cơ quan chức năng đã chôn xác lợn không đúng quy định về khoảng cách an toàn. Cụ thể, theo phương án và kế hoạch ngăn chặn, ứng phó với dịch tả lợn châu Phi được UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành, phần hướng dẫn kỹ thuật tiêu huỷ nêu rõ, bắt buộc hố chôn phải cách nhà dân, giếng nước, khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30 m và có đủ diện tích nhằm tránh dịch lây lan và gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, thực tế hố chôn lợn bệnh của hộ anh Hùng được lựa chọn ngay trong vườn nhà và khoảng cách từ hố đến tường nhà anh ở chỉ khoảng 4 m. Không những thế, hố chôn tuy nằm trong vườn nhà anh Hùng nhưng lại sát tường của gia đình hàng xóm.
Tuân thủ quy trình tiêu huỷ song chủ hộ cho hay không yên tâm vì nguy cơ ô nhiễm. "Dù lực lượng chức năng đã rải vôi bột, phun hoá chất khử trùng nhưng hố chôn quá gần nhà, tôi lo ngại xác lợn phân hủy sẽ ngấm xuống lòng đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm mà gia đình và hàng xóm đang dùng để sinh hoạt", anh Hùng nói.
Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa thừa nhận, theo quy định phải chôn lợn mắc dịch cách nhà dân, giếng nước tối thiểu 30 m, nhưng do ổ dịch nhà anh Hùng có ít lợn nên "linh hoạt cho chôn trong vườn".
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Thanh Hoá đang siết chặt công tác kiểm soát vận chuyển lợn. Ngoài hai chốt kiểm dịch động vật trên quốc lộ 1A tại thị xã Bỉm Sơn và huyện Tĩnh Gia, tỉnh này còn thành thành lập thêm bốn chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời tại xã Thành Vân, huyện Thạch Thành (giáp tỉnh Ninh Bình); chốt tại xã Bãi Trành, huyện Như Xuân (giáp tỉnh Nghệ An); chốt tại xã Nga Phú, huyện Nga Sơn (giáp tỉnh Ninh Bình) và chốt tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành (giáp với tỉnh Hòa Bình). Thời gian hoạt động ít nhất đến ngày 31/3/2019, thực hiện trực 24/24, kể cả ngày nghỉ.
Tại buổi kiểm tra, làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá ngày 8/3, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị Chi cục Thú ý vùng III và chính quyền địa phương chỉ đạo các chốt kiểm soát phải siết chặt kiểm tra nguồn gốc động vật, phun hoá chất tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển động vật, nhất là phương tiện vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn.
Ông Tiến cũng yêu cầu địa phương tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây lan sang người, nhằm đảm bảo vừa chống dịch song có thể duy trì phát triển ngành chăn nuôi.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Tính từ năm 2017 đến tháng 2/2019, 20 quốc gia báo cáo ghi nhận bệnh dịch. Tổng cộng hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.
Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp) thống kê đến hết ngày 6/3, tổng số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy là trên 6.400 con và hiện lan đến 9 tỉnh, thành phố.