Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Trong bài phát biểu kéo dài chừng 45 phút trước QH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày phương án Chính phủ khóa 12 có 5 Phó thủ tướng, trong đó có một phó thủ tướng thường trực, một phụ trách kinh tế, một kiêm nhiệm bộ trưởng Bộ Ngoại giao, một phụ trách văn hóa - xã hội và một thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương.
Sau đó, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra phương án sắp xếp lại bộ máy Chính phủ. Theo đó, sẽ có 9 bộ, cơ quan ngang bộ và Tổng cục Du lịch được sắp xếp.
Cụ thể: Bộ Thủy sản nhập vào Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại nhập thành Bộ Công thương; Ủy ban Thể dục thể thao, Tổng cục du lịch và mảng văn hóa của Bộ Văn hóa Thông tin hiện nay sẽ nhập thành Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch.
Ủy ban Dân số - gia đình và trẻ em sẽ được giải thể, những chức năng, nhiệm vụ trước đây của ủy ban này sẽ đưa về các bộ, ngành liên quan. Theo tờ trình của Chính phủ, việc quản lý dân số giao Bộ Y tế đảm trách; lĩnh vực gia đình chuyển sang Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch. Lĩnh vực chăm sóc trẻ em giao một số bộ chức năng, trong đó Bộ Lao động thương binh và xã hội là đầu mối. Nhiều khả năng sẽ lập thêm Tổng cục dân số hoặc Cục dân số trực thuộc Bộ Y tế.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và truyền thông được lập trên cơ sở Bộ Bưu chính viễn thông và mảng báo chí, xuất bản của Bộ Văn hóa Thông tin; Bộ Tài nguyên môi trường và biển trên cơ sở Bộ Tài nguyên môi trường thêm nhiệm vụ mới liên quan đến khu vực biển.
Theo Thủ tướng, việc sát nhập mảng thông tin sang Bộ Bưu chính viễn thông, thành lập Bộ Thông tin truyền thông nhằm gắn chặt việc sử dụng công nghệ thông tin và hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo cho sự phát triển của báo chí, xuất bản. Nhiều khả năng sẽ thành lập Tổng cục hoặc Cục báo chí xuất bản thuộc Bộ này.
Tiếp tục điều chỉnh cơ cấu của từng bộ
Trước khi trình phương án sáp nhập những bộ trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, 4 nhiệm kỳ gần đây, Chính phủ đã cố gắng sắp xếp lại tổ chức nhưng hoạt động vẫn còn một số bất cập.
Theo đó, bộ máy còn cồng kềnh, một số bộ, cơ quan ngang bộ chưa được sắp xếp hợp lý nên chưa bao quát hết các chức năng nhiệm vụ. Tuy đã có phân cấp nhưng một số bộ, cơ quan ngang bộ trong hoạt động còn hạn chế, thủ tục hành chính rườm rà, chậm trễ quan liêu.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, xét trên nhiều khía cạnh, việc cải cách thủ tục hành chính còn chưa theo kịp sự phát triển của xã hội.
Ông cho biết, cơ cấu Chính phủ mới nhằm khắc phục những hạn chế trên. "Việc thay đổi này theo xu hướng một bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Mỗi việc phải có một người chuyên sâu chịu trách nhiệm", Thủ tướng nhấn mạnh.
Sau khi trình phương án, Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ cấu và tổ chức, bên trong của từng bộ, từng ngành cho phù hợp.
Sau khi thảo luận tại đoàn, sáng 31/7, QH sẽ thông qua nghị quyết về việc thành lập, bãi bỏ các cơ quan của Chính phủ.
Chính phủ khóa 12 có 28 thành viên (giảm 2 so với khóa trước). 22 bộ, cơ quan thuộc của Chính phủ gồm:
- Bộ Thông tin và truyền thông
- Bộ văn hóa thể thao và du lịch
- Bộ Tài nguyên môi trường và biển
- Bộ Công thương
- Bộ Quốc phòng
- Bộ Công an
- Bộ Ngoại giao
- Bộ Nội vụ
- Bộ Tư pháp
- Bộ Tài chính
- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn
- Bộ Giao thông vận tải
- Bộ Xây dựng
- Bộ Kế hoạch - Đầu tư
- Bộ Lao động thương binh và xã hội
- Bộ Khoa học công nghệ
- Bộ Giáo dục
- Bộ Y tế
- Ủy ban dân tộc
- Ngân hàng Nhà nước
- Thanh tra Chính phủ
- Văn phòng chính phủ
Chính phủ khóa 11 (2002-2007) có 3 Phó thủ tướng, 26 bộ, 11 cơ quan thuộc chính phủ. Chính phủ khóa 10 (1997-2002) có 5 Phó thủ tướng, 23 bộ, 25 cơ quan thuộc chính phủ. Chính phủ khóa 9 (1992-1997) có 27 bộ, 29 cơ quan thuộc thuộc chính phủ. Chính phủ khóa 8 (1987-1992) có 28 bộ, 35 cơ quan thuộc chính phủ. |
Việt Anh - Thanh Nga
Người gửi: Nguyễn Văn Vĩnh
Tôi rất ủng hộ phương án thay đổi bộ máy Chính phủ từ 26 Bộ, cơ quan ngang bộ xuống còn 22. Qua các kỳ họp Quốc hội gần đây, bộ máy Chính phủ thường xuyên được cân nhắc thay đổi để hội nhập quốc tế, đáp ứng kịp thời với xu hướng phát triển kinh tế đất nước. Là một công dân Việt Nam, tôi tự hào về đất nước chúng ta.
Người gửi: Trần Hoàng Việt
Tôi hoàn toàn nhất trí với dự kiến của Thủ tướng về bộ máy chính quyền cấp trung ương. Trong nhiệm kỳ này Chính phủ cũng quy định luôn bộ máy hành chính từ tỉnh, thành xuống đến cơ sở và phải cương quyết, triệt để hơn trong việc xây dựng bộ máy địa phương. Nghĩa là, không phải cấp trung ương có bộ ngành nào thì cũng phải lập các phòng ban ngành tương ứng ở cấp tỉnh thành và quận huyện. Nên hướng vào đa ngành đa lĩnh vực, giảm đầu mối quản lý. Có như vậy bộ máy mới tinh, gọn và có điều kiện để nâng cao năng lực, hiệu lực của các cấp chính quyền.
Người gửi: Nguyễn Thị Trà Vinh
Tôi đã đọc nội dung bài báo trên và muốn gửi ý kiến này đến các bạn đọc và tới Chính phủ để bàn về việc đổi tên Bộ Tài nguyên và môi trường. Tôi đã công tác trong lĩnh vực môi trường khoảng 10 năm trước khi về hưu và hiện nay tuy đã nghỉ hưu được 5 năm tôi vẫn đang tiếp tục nhận làm chuyên gia môi trường cho lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Nhắc lại công việc của mình tôi chỉ muốn các bạn hiểu cho, tôi có kiến thức nhất định và tâm huyết với các vấn đề môi trường.
Tôi nhận thấy rằng nếu Chính phủ thêm chữ "và biển" vào tên đang có của Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ làm tối nghĩa của tên đang có. Tôi cho rằng, Chính phủ vẫn có thể giao thêm trách nghiệm liên quan đến tài nguyên biển, môi trường biển, quản lý lãnh hải... mà không cần thêm chữ biển vào tên của bộ này.