Ông Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Châu bản là nguồn tài liệu vô cùng quý giá, có độ tin cậy cao trong đó lưu bút tích phê duyệt của các Hoàng đế triều Nguyễn. Đây là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến ở Việt Nam. Châu bản chứa đựng nhiều thông tin phong phú, phản ánh toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế xã hội, con người ở Việt Nam thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 cũng như mối quan hệ bang giao của triều Nguyễn với nhiều quốc gia trên thế giới.
Châu bản không chỉ là di sản chứa đựng các sự kiện lịch sử có giá trị mà còn là minh chứng về chủ quyền biển đảo, luận chứng chắc chắn, cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. "Với những giá trị to lớn đó và đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí về hình thức, nội dung như: tính độc đáo, xác thực, tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế… Châu bản triều Nguyễn đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tháng 5/2014", Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói.
Trưởng đại diện văn phòng UNESCO Hà Nội, bà Katherine Muller Marin cũng vinh danh Châu bản triều Nguyễn là tư liệu văn hoá, chính trị có giá trị to lớn, đưa người đọc ngược trở về hơn 155 năm phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. Đặc biêt, Châu bản còn phản ánh cam kết phát triển lâu dài của dân tộc như: Vua Gia Long (trị vì từ 1802- 1820) đã có nhiều ngự phê tập trung về giáo dục, chú trọng việc thi cử, tuyển chọn nhân tài, học tập tại Văn miếu Quốc Tử Giám; Vua Minh Mạn (năm 1825) ngự phê phân phát đồ cứu tế, giảm thuế cho nhân dân vùng thiên tai; Vua Thành Thái mở trường quốc học năm 1896 để đào tạo nhân tài có trình độ về nền văn minh phương Tây và ngự phê đặt mua các tờ báo bằng tiếng nước ngoài.
"Đây chỉ là một vài minh chứng cho thấy, Châu bản thể hiện quyết tâm của quốc gia Việt Nam trong phát triển giáo dục, khoa học, văn hoá và giao lưu quốc tế. Chúng cho thấy dân tộc này vĩ đại thế nào khi nói về văn hoá, giáo dục", bà Katherine nhấn mạnh.
Là một nhà nghiên cứu Sử học, từng chứng kiến 3 tư liệu trước của Việt Nam là mộc bản triều Nguyễn, 82 bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận di sản tư liệu quý giá, giáo sư Phan Huy Lê vô cùng vui mừng khi Châu bản triều Nguyễn được tôn vinh. Theo giáo sư, điều này sẽ giúp quảng bá được chủ quyền biển đảo khi đây là văn bản có giá trị lịch sử và giá trị pháp lý không thể chối cãi về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá Hoàng Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, việc thế giới công nhận Châu bản triều Nguyễn – tài liệu chứa đựng giá trị trong việc khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là đồng thời ghi nhận chủ quyền hai quần đảo này của nước ta.
Châu bản triều Nguyễn được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tu bổ, phục chế gần như nguyên trạng. Đơn vị này cũng đóng sách, tạo mục lục cho Châu bản để dễ tìm kiếm. Hiện Cục đã tiến hành số hoá tư liệu này và dịch sang tiếng Anh để phổ biến nội dung Châu bản triều Nguyễn tiến gần hơn với nhân dân trong nước và quốc tế.
Quỳnh Trang