Một mình một xe, anh bỏ lại những bữa cơm đầu xuân đầm ấm bên gia đình để đến với nông dân khắp cả nước. Anh cho biết, sở dĩ phải chọn ngày mùng để bắt đầu hành trình vì chỉ thời gian này, người đi làm ăn, con cháu thoát ly mới tụ họp đông đủ bên gia đình. Việc giới thiệu mô hình "tủ sách dòng họ" của anh sẽ thu hút được sự chú ý.
Sinh năm 1975 ở vùng Sơn Lệ, Hương Sơn, Hà Tĩnh, ngay từ nhỏ, cậu bé Quang Thạch đã ham mê đọc sách. Chưa học hết cấp 2, Thạch đã đọc hết tủ sách 700 cuốn của gia đình. Càng đọc cậu càng thích thú bởi kiến thức rộng lớn cũng như cuộc sống phong phú mở ra trước mắt. Cậu mong ước mỗi làng quê đều có thư viện sách để những đứa trẻ như cậu được mượn đọc thoải mái.
Năm thứ hai đại học, Thạch gặp một phụ nữ tâm thần bỏ quê Thanh Chương, Nghệ An, đi lang thang. Thạch về hô hào các bạn ở giảng đường và trong ký túc xá giúp đỡ, tìm địa chỉ đưa chị về quê. Nhưng mọi cố gắng của anh chỉ được hai sinh viên ủng hộ. Thạch thực sự giật mình về sự hờ hững của giới trẻ. Anh thấy cuộc sống trong sách nhân văn bao nhiêu thì ngoài đời lại vô cảm bấy nhiêu. Mong ước lập tủ sách từ những ngày thơ bé bỗng chốc trỗi dậy, anh tự nhủ “Chỉ có sách mới khiến con người ta nhân văn hơn”.
Vì sinh viên đa phần từ quê ra nên Thạch quyết định bắt đầu lập tủ sách ở nông thôn. Anh dồn tiền đi khắp vùng quê tìm phương pháp đưa sách về hiệu quả. Không chọn bưu điện văn hoá, trung tâm xã hay thư viện, nhà trường để thực hiện mà Thạch chọn các dòng họ. Ý tưởng độc đáo này xuất phát từ… nghĩa địa, việc quy hoạch mộ phần.
Số là trong nhiều lần ngắm nghĩa trang, Thạch đều thấy khu mộ của các dòng họ được quy tụ một cách bề thế. Anh hiểu rằng dòng họ có vị trí rất quan trọng trong đời sống cộng đồng và gia đình Việt Nam. Cấu trúc cộng đồng nông thôn được hình thành chủ yếu bởi nhiều dòng họ sống trong mỗi thôn xóm. Mỗi họ lại có một nhà thờ làm nơi gặp mặt và thờ tự tổ tiên. Ý tưởng thành lập mô hình "tủ sách dòng họ" đã bật lên trong Thạch. Khi bàn với người chú là nhà văn Nguyễn Quang Thân, Thạch được ủng hộ nhiệt tình và tặng hàng chục cuốn sách để làm vốn.
Tháng 3/2007, Thạch dùng số tiền tiết kiệm hơn 10 triệu đồng của mình để bắt đầu khởi động "tủ sách dòng họ". Các họ Nguyễn Quang (họ của Thạch), Nguyễn Duy (bên bà nội của Thạch) và họ Trần (họ mẹ của Thạch) được lập tủ sách đầu tiên. Thạch chia sẻ: “Tôi cảm động đến rớt nước mắt khi những người lớn tuổi trong họ hào hứng dặn con cháu phải quý trọng sách, còn trẻ con thì đua nhau đến mượn sách về đọc”.
Thạch tâm sự: “Đến nhiều nơi, thấy có những làng bỏ ra 150 triệu để xây cổng làng rồi chẳng để làm gì, có thôn bỏ ra 150 triệu để xây nhà văn hóa, nhưng trong ấy chẳng có gì phổ biến văn hóa, hay có những dòng họ bỏ vài chục triệu để xây nhà thờ hoành tráng, rồi chẳng giúp ích gì cho con cháu. Nếu có khoản tiền ấy, tôi có thể mua được hàng nghìn đầu sách, và hàng chục nghìn người sẽ có sách đọc”.Hiện làm cho một tổ chức phi chính phủ, hằng tháng Thạch bỏ ra khoảng một triệu đồng tiền lương để mua sách. Anh cũng kêu gọi, “xin” sách ở khắp nơi để thực hiện dự án của mình. 13 năm, mô hình của anh đã xây dựng được 50 tủ sách với hơn 9.000 đầu sách ở 14 tỉnh. Ngoài ra, 4 dòng họ và 3 cá nhân đã tự nhân rộng ở 5 địa phương khác gồm Sóc Trăng, Buôn Mê Thuột, Quảng Nam, Hà Tĩnh và huyện đảo Cát Bà. Đến nay, các tủ sách đã phục vụ hàng nghìn độc giả ở thôn quê với hơn 20.000 lượt sách được mượn.
Thạch chia sẻ, ngoài sự cố gắng của bản thân, anh đã nhận được sự đóng góp của 72 cá nhân trong và ngoài nước với hơn 7.000 cuốn sách, tạp chí cùng gần 70 triệu đồng và 200 USD. Dự án tủ sách vừa nhận được 400 triệu đồng từ cuộc thi Ý tưởng phục vụ cộng đồng, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép chuẩn hóa mô hình tại Thái Bình.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần sách Thái Hà cho biết: “Tôi từng bỏ ra vài ngày chỉ để lang thang khắp Hà Nội và phát hiện ra rằng văn hóa đọc của người Hà Nội rất kém. Vậy nên khi nghe ý tưởng đem sách về nông thôn của Thạch, tôi thấy thật điên rồ, vì ở thành phố người ta còn không đọc sách huống hồ nông thôn. Nhưng khi nhìn thấy hiệu quả của mô hình này, tôi đã hiểu ra việc lập tủ sách dòng họ mới là cách làm hiệu quả. Các gia đình bảo ban nhau, các cháu bé được đọc sách từ nhỏ sẽ rất tốt".
Nếu như trước đây tủ sách dòng họ tặng cả sách lẫn tủ thì gần đây Thạch yêu cầu các dòng họ tự bỏ tiền đóng tủ, bố trí thành viên trong dòng họ làm thủ thư, còn anh hỗ trợ từ 180 đến 250 đầu sách. Như vậy, các dòng họ gắn được trách nhiệm của mình vào việc thúc đẩy con cháu đọc sách.
Nhận sách từ tay Thạch, người dân còn thành kính đưa lên bàn thờ gia tiên trước khi cho vào tủ. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Trong mô hình của Quang Thạch, dòng họ Vũ Thế thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương) đã tổ chức tủ sách có bài bản và hiệu quả nhất. Anh Vũ Xuân Kiên, uỷ viên Hội đồng dòng họ Vũ Việt Nam cho biết, họ Vũ cũng đã có ý tưởng thành lập tủ sách từ lâu nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Khi anh Thạch khởi động chương trình, đại diện họ Vũ đã gọi đến anh xin sách. Với 210 cuốn ban đầu, chỉ sau 10 tháng, con cháu họ Vũ đã gửi 2.000 đầu sách về bổ sung và đã có 4.000 lượt sách được mượn.
"Giờ như một thói quen, con cháu đi xa về đều tìm mua vài cuốn sách mang về làm quà. Vì thế, tủ sách của họ tôi không ngừng tăng lên cả số lượng và chất lượng", anh Kiên chia sẻ.
Ấp ủ từ rất lâu, năm nay anh Thạch mới thực hiện được chuyến xuyên Việt nhằm kêu gọi các dòng họ lập tủ sách, giới thiệu tác dụng của mô hình này. Chuyến đi xuyên Việt đúng vào dịp Tết Canh Dần (bắt đầu từ ngày 14 đến 24/2) đi qua 19 tỉnh, thành phố. Đúng 13h30 ngày mùng 1 Tết, Thạch làm lễ xuất phát tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và dự kiến đến 8h30 ngày 12 (Âm lịch) anh sẽ khép lại hành trình tại TP HCM.
Chuyến xuyên Việt này của anh Thạch đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủng hộ nhiệt tình. Ông Nguyễn Hữu Giới, Phó vụ trưởng Vụ Thư viện, cho hay: “Trong đợt này, Vụ đã gửi tặng chương trình Tủ sách dòng họ 1.700 cuốn. Hy vọng Thạch sẽ luôn giữ được tâm huyết và đam mê của mình”.
Còn Thạch chia sẻ: “Tôi hy vọng mô hình Tủ sách dòng họ với chuyến xuyên Việt lần này sẽ tạo ra hiệu ứng xây dựng tủ sách trên quy mô rộng lớn, giảm thiểu vấn đề thiếu sách ở khu vực nông thôn cũng như kêu gọi những người ở thành phố có trách nhiệm chia sẻ thông tin với dòng họ của mình ở quê".
Những dòng họ muốn lập tủ sách có thể liên hệ với Nguyễn Quang Thạch qua số điện thoại 0912.188.644 hoặc địa chỉ://www.sachlangque.net/ |
Hoàng Thùy