Thảo luận tại tổ dự án Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam chiều 28/5, nhiều đại biểu quan tâm đến điều 28 quy định về tạm hoãn xuất nhập cảnh.
Bà Mai Thị Phương Hoa - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tư pháp nêu thực trạng thời gian qua, một số trường hợp trong quá trình điều tra, xác minh hành vi phạm tội như Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), Trịnh Xuân Thanh..., hay mới đây là ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy đã bỏ trốn.
"Có những vụ trốn ra nước ngoài, cũng có vụ chưa xác định cụ thể (trong nước hay nước ngoài), song chúng ta cần đưa ra biện pháp hạn chế tình trạng này", bà Hoa nói.
Theo bà Hoa, dự thảo Luật quy định trình tự, thủ tục tạm hoãn xuất cảnh qua rất nhiều khâu. Cụ thể, người có thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh có trách nhiệm gửi văn bản theo mẫu đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an; đồng thời thông báo ngay bằng văn bản theo mẫu cho người bị tạm hoãn xuất cảnh, trừ trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh.
Sau khi tiếp nhận văn bản, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện ngay.
"Quy định như vậy là đúng rồi, nhưng quá trình gửi văn bản này đi, kể cả hoả tốc thì vẫn cần thời gian. Theo tôi, với công nghệ hiện nay, cùng với gửi văn bản, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông tin với nhau tức thời bằng điện thoại hoặc các biện pháp nghiệp vụ để áp dụng ngay tại cửa khẩu, sân bay", bà Hoa nói.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Thường trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng cũng cho rằng, quy định về những trường hợp tạm hoãn xuất cảnh chưa chặt chẽ. Ông Hạ nói, với những nghi phạm liên quan đến tham nhũng hoặc các vụ nghiêm trọng khác, khi có dấu hiệu phạm tội nhưng chưa khởi tố mà đang trong quá trình theo dõi thì cũng cần có quy định về giải pháp ngăn chặn.
"Ví dụ như trường hợp Vũ Đình Duy (cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần hoá dầu và xơ sợi dầu khí - PVTex) trốn ra nước ngoài; hay mới đây cơ quan chức năng đã phải truy nã ông chủ Nhật Cường Mobile. Tôi biết khi chưa khởi tố thì họ có quyền công dân. Nhưng với Luật xuất nhập cảnh này, chúng ta phải có quy định để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm bỏ trốn và nhất là trốn ra nước ngoài", ông Hạ nói.
Ông Tạ Văn Hạ cũng đề nghị, cùng với việc triển khai gắn chip điện tử trong hộ chiếu, các cơ quan chức năng cần sớm liên thông quản lý giấy tờ công dân thông qua mã số cấp cho mỗi người để khi cần có thể áp dụng biện pháp theo Luật định.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Thường trực Uỷ ban Pháp luật thì nhận định, những trường hợp bỏ trốn như ông chủ Nhật Cường mobile là "rất nghiêm trọng"; tuỳ theo tình huống cụ thể, cơ quan chức năng cần áp dụng biện pháp hạn chế xuất cảnh.
"Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì một số trường hợp sẽ bỏ trốn, khi đó dẫn đến nhiều hệ luỵ và dư luận vô cùng bức xúc", ông Hiển nói.
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm đã trình Quốc hội dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; ngày 12/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật này.
Hoàng Thuỳ - Võ Hải - Anh Minh