Sáng 7/11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, hiện nay có nhiều cách để kiểm tra trình độ tin học, ngoại ngữ của cán bộ, công chức mà không cần phải xem xét văn bằng, chứng chỉ, đơn cử như tổ chức sát hạch trên máy tính, bài thi bằng tiếng Anh. Sắp tới Bộ Nội vụ sẽ đẩy mạnh áp dụng phương pháp này để loại bớt thủ tục hành chính.
Ngoài ra, theo ông Tân, quy định hiện hành đã nói rất rõ về tiêu chuẩn văn bằng ngoại ngữ là "phù hợp với từng vị trí việc làm", như vậy từng vị trí sẽ có chứng chỉ, bằng bằng cấp khác nhau.
"Chúng tôi kiến nghị từ cấp vụ trở lên phải đạt trình độ ngoại ngữ đạt tiêu chuẩn, điều kiện làm việc môi trường quốc tế. Cán bộ đi hội thảo quốc tế mà phải dẫn theo phiên dịch là không ổn", Bộ trưởng nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc phản ánh, hiện nay việc thi, xét nâng ngạch công chức, viên chức chưa minh bạch, còn tồn tại nhiều bất cập. Thừa nhận vấn đề này, ông Lê Vĩnh Tân nói thủ tục phiền hà không chỉ với nâng ngạch công chức, viên chức mà cả quy trình bổ nhiệm cán bộ, một người muốn được bổ nhiệm cần có tới 7 loại bằng cấp, chứng chỉ.
Ông Tân giải thích, các yêu cầu trên không phải Bộ Nội vụ quy định gần đây mà đã có từ năm 1993. "Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm vì để một quyết định với thủ tục rườm rà tồn tại hơn 20 năm", ông Tân nói và cam kết đến năm 2020, sau khi Luật cán bộ, công chức (sửa đổi) được ban hành, có hiệu lực thì Bộ sẽ trình Chính phủ sửa ngay các quy định liên quan.
"Chúng tôi sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch cán bộ, công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ hồ sơ, thủ tục nào", ông nói.
Về việc sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện, Bộ trưởng Lê Vinh Tân cho hay "Thủ tướng rất băn khoăn vấn đề này và nêu ý kiến không thể sáp nhập cơ học sở này với sở khác".
Theo ông, Chính phủ dự kiến ban hành nghị quyết thí điểm, chọn không quá 20% đơn vị hành chính cấp tỉnh để thí điểm tới năm 2021 rồi tổng kết; còn trước mắt chỉ quy định tiêu chí thành lập sở, phòng đặc thù và tiêu chí thành lập cơ quan bên trong sở.
Trả lời câu hỏi về vấn đề tinh giản biên chế gây thiếu hụt người làm trong trường học, bệnh viện, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói, trong tổng số biên chế được phê duyệt hàng năm thì giáo viên và nhân viên y tế chiếm tỉ lệ lớn.
Tuy nhiên, tình trạng nêu trên vẫn diễn ra và để giải quyết, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ xét biên chế cho giáo viên mầm non hợp đồng trước năm 2015 ở 19 tỉnh, thành, với số lượng 20.000 người. Chính phủ cũng đã thông báo đến các địa phương thống kê lực lượng giáo viên, nhân viên y tế còn thiếu để bổ sung biên chế, theo chủ trương "có người học thì có giáo viên, có người bệnh thì có bác sỹ". Hiện Chính phủ đã đồng ý biên chế 18.000 giáo viên, 12.000 nhân viên y tế.
Trước đó, phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thông tin, thực hiện sắp xếp lại tổ chức, bước đầu Chính phủ đã giảm được 4 tổng cục, 11 vụ thuộc Bộ, 9 đơn vị sự nghiệp ở Trung ương. Số đơn vị hành chính huyện xã giảm nhiều, như Cao Bằng giảm 3 huyện, 38 xã; Thanh Hoá giảm 76 cấp xã; Hoà Bình giảm 59 xã; Phú Thọ giảm 52 xã...
"Tinh giản biên chế khối hành chính nhà nước đã giúp chất lượng cán bộ, công chức, viên chức tăng lên", ông cho hay.
Bộ trưởng Nội vụ tiếp tục trả lời chất vấn trong chiều nay.
Quốc hội chất vấn trong 3 ngày (6 - 8/11). Thủ tướng và 4 Bộ trưởng: Nông nghiệp Phát triển nông thôn; Công Thương; Nội vụ và Thông tin Truyền thông lần lượt đăng đàn.