Thông tin được ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM nói tại buổi họp vào về công tác chống dịch trên địa bàn, chiều 6/12.
Theo ông Hải, thành phố đang điều trị 13.681 bệnh nhân, trong đó 497 trẻ em dưới 16 tuổi, 431 bệnh nhân nặng thở máy, 14 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 5/12, 958 bệnh nhân nhập viện, 927 bệnh nhân xuất viện, 94 trường hợp tử vong. Tổng số tử vong cộng dồn từ đầu năm đến nay là 18.498.
Số ca tử vong do Covid-19 xu hướng tăng trở lại trong một tháng gần đây. Tháng 10 khi thành phố ngưng giãn cách và bắt đầu "mở cửa" trở lại, ca tử vong giảm dần từ 3 con số xuống 2 con số và có ngày chỉ ghi nhận 21 ca (30/10). Hai tuần gần đây, số bệnh nhân tử vong tăng dần ở mức trung bình 60-70 ca mỗi ngày.
Tại buổi họp báo, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế thành phố cho biết các ca tử vong thời gian qua chủ yếu rơi vào nhóm người cao tuổi (trên 65 tuổi), bệnh nền, những người chưa tiêm vaccine hoặc chưa đủ liều. Từ đó, Sở Y tế tiếp tục tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch chăm sóc, bảo vệ nhóm nguy cơ.
Theo kế hoạch này, danh sách người trên 65 tuổi, bệnh nền sẽ được rà soát để nắm lại từng hộ, từng người trên địa bàn. Các cơ sở y tế địa phương theo dõi sát từng trường hợp, đến nhà làm xét nghiệm, tư vấn sức khỏe... Quá trình sàng lọc, các F0 được chăm sóc tại nhà (nếu đủ điều kiện) hoặc đưa vào bệnh viện.
"Chiến dịch này triển khai rất mạnh trong một tháng tới và duy trì suốt năm 2022, làm sao để toàn bộ người nguy cơ được chăm sóc chu đáo", bà Mai nói và cho hay với cách thức này, thành phố hy vọng sẽ giảm tỷ lệ tử vong.
Ngoài ra, trước tình hình số F0 tăng, ca tử vong không giảm, Sở Y tế đã có hướng dẫn về việc thu dung, điều trị các ca mắc Covid-19; tái cấu trúc các bệnh viện không phải điều trị Covid-19.
Cụ thể, các bệnh viện có khoa khám sàng lọc và khu vực cách ly tạm thời thì khu vực này trở thành nơi điều trị Covid-19, tránh phải di chuyển bệnh nhân. Các bệnh viện có chuyên khoa Nhi hay Sản cũng sẽ thành lập đơn vị hồi sức Covid-19 kịp thời cứu chữa, điều trị bệnh nhân nặng.
Với các bệnh viện đã chuyển đổi toàn bộ sang điều trị Covid-19 như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trưng Vương, An Bình hay Củ Chi sẽ giữ nguyên công năng. Các bệnh viện tách đôi vẫn tiếp tục giữ nguyên.
Đến nay, thành phố đã giải thể 8 bệnh viện dã chiến, còn giữ lại 13 bệnh viện dã chiến. Ngành y tế sẽ tái cấu trúc lại các đơn vị này, đủ điều kiện thành bệnh viện 3 tầng kịp thời chữa trị bệnh nhân trong mọi tình huống.
Về tăng cường hệ thống y tế cơ sở, hiện TP HCM có 310 trạm y tế cố định và 382 trạm y tế lưu động. Trong số trạm y tế lưu động, quân y phụ trách 168 trạm, thành phố lập 214 trạm nhằm hỗ trợ F0 đang điều trị, cách ly tại nhà.
Hữu Công