Hôm nay là ngày thứ tám của đợt nắng nóng gay gắt ở miền Trung. Từ sáng sớm, bà Phan Thị Xuân (50 tuổi, xã Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An) đã mang theo bao tải đạp xe tới ruộng lạc để nhổ những cây chết khô. Sáu sào lạc của gia đình bà Xuân chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ được thu hoạch đại trà, nhưng giờ cây cứ chết từng đám.
"Một tuần nay lạc bắt đầu chết khô, buổi chiều dùng tay nắm vào thân cây gãy giòn như vừa hơ trên bếp lửa. Loại này thương lái không mua nên chỉ về nhặt hạt để phơi, giã làm thức ăn cho lợn, bò và gà", bà Xuân nói. Thu nhập của gia đình bà chủ yếu dựa vào cây lạc, song giờ trắng tay.
Cùng cảnh ngộ với bà Xuân là hơn 100 hộ dân trồng lạc tại xã Hưng Nhân, với tổng diện tích 20 hecta. Cả vùng lạc đang xanh tốt, bỗng chuyển màu nâu, lá xoăn lại. Nếu được mùa, mỗi sào lạc sẽ cho bình quân hai tạ củ, bán được 3 triệu đồng, trừ chi phí nông dân lời được khoảng 2 triệu đồng.
Cách vùng trồng lạc vài trăm mét là vựa ngô 15 hecta nằm ở bãi đất pha cát ven sông Lam của anh Phạm Văn Oanh (xã Hưng Nhân). Anh Oanh chung vốn với một người bạn trồng ngô bán cho công ty kinh doanh bò sữa tại địa phương. Một tuần trước, khi hạt ngô đã căng sữa thì lá bắt đầu khô, thân gãy gập.
"Nếu thời tiết thuận lợi, khoảng 10 ngày nữa là tôi cắt ngô bán cho công ty, nhưng bây giờ có cho họ cũng không lấy vì không đạt chất lượng theo tiêu chuẩn", anh Oanh phân trần. Để có một hecta ngô bán cho doanh nghiệp, nông dân phải đầu tư khoảng 25 triệu đồng, bán được 28-30 triệu đồng.
Toàn tỉnh Nghệ An có trên 100 hecta lạc và ngô, tập trung ở các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương bị chết khô (ảnh hưởng năng suất trên 70%). Gần một nghìn hecta hoa màu khác nằm trong diện bị hạn, nếu nắng nóng tiếp tục thêm một tuần thì số diện tích này cũng bị mất trắng, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết.
Hà Tĩnh: Cam rụng, lạc chết khô vì nắng
Tại huyện miền núi Hương Khê, nơi nóng tới 43 độ C - cao nhất từ trước đến nay, nhiều hecta cam Khe Mây và bưởi Phúc Trạch bị héo lá, rụng quả. "Cam đang trong giai đoạn sinh trưởng, nắng nóng và thiếu nước khiến hàng trăm cây rụng quả. Nếu nắng gắt kéo dài, nguy cơ mất mùa hiện hữu", một chủ vườn nói.
Nắng nóng cũng khiến người dân huyện Hương Khê khan hiếm nước sinh hoạt, hàng chục hecta hoa màu thiếu nước tưới. Toàn xã Phúc Trạch có gần 200 ha lạc và ngô đang thời kỳ thu hoạch, hiện nhiều cây đã bị chết.
Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê cho biết, đợt nắng nóng này mới là cục bộ, địa bàn bị ảnh hưởng nặng nhất. Rất may hai hôm nay nhiệt độ đã hạ, có mưa một vài nơi nên hạn chế được thiệt hại. Để đề phòng, bà con cần tưới nước cho cây vào buổi sáng và tối; chuẩn bị thức ăn, nước uống đầy đủ cho gia súc, gia cầm.
Tại các huyện đồng bằng, thời điểm này nông dân đang thu hoạch lúa. Để tránh nắng nóng, nhiều hộ đã thuê máy hoặc tự đi gặt vào ban đêm.
Quảng Trị: 6.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt
Hai ngày nay nhiệt độ tại TP Đông Hà đã giảm phần nào, nhưng vẫn ở mức 39-40 độ C. Cùng chồng làm nghề đóng cốp pha ở các công trình xây dựng, chị Lê Thị Huyền (40 tuổi, trú TP Đông Hà) bắt đầu ngày làm việc sớm hơn một tiếng vào buổi sáng và nghỉ muộn hơn vào buổi chiều để tránh nắng gắt giữa trưa. "Ở dưới đất đã khó chịu, lên tầng cao càng ngột ngạt hơn. Ngồi một chút giữa trời đã thấy xây xẩm mặt mày", chị Huyền nói.
Tại huyện miền núi Hướng Hóa, trong cái nắng bỏng rát giữa trưa, anh Hồ Văn Ta (xã A Xing) cùng đám trẻ con tắm dưới dòng suối đục ngầu để giải nhiệt. "Vừa nắng vừa thiếu nước nên bà con phải tắm và giặt ở vùng nước thiếu vệ sinh như này", anh Ta giải thích. Trong khi người đàn ông này tắm gội thì bên cạnh, đám trẻ liên tục nhảy xuống nước, phụ nữ giặt quần áo.
Suốt 4 tháng qua, huyện Hướng Hóa không có mưa, nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Tại xã A Xing, trước kia người dân dùng nước ở các bể tự chảy. Nhưng hạn nặng, nước đầu nguồn không có khiến bể khô khốc. Dòng suối Ka Đắp nơi bà con lấy nước xưa vốn đầy ắp, nay chỉ còn lại ít ỏi giữa lòng suối. Người dân phải đào những hố bên dòng suối để lấy nước về sinh hoạt.
Toàn huyện Hướng Hoá hiện có gần 6.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Còn tại huyện Đăkrông, có gần 500 hecta cây trồng bị thiệt hại do nắng nóng, tập trung ở các xã A Vao, A Ngo, A Bung, Tà Rụt...
Thừa Thiên Huế: Người dân đến sông Hương giải nhiệt
Nhiệt độ ngoài trời ở Thừa Thiên Huế một tuần nay thường xuyên trên 40 độ C, cuộc sống người dân đảo lộn. Sau bữa cơm trưa, nhiều người dân ở TP Huế ra công viên hai bờ sông Hương ngồi dưới gốc cây, bắc võng nghỉ. Một số người ngồi dưới gầm cầu Phú Xuân, cầu Trường Tiền, Dã Viên sát mặt nước sông. Đến chiều, đàn ông, trẻ con xuống sông Hương tắm giải nhiệt.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, nắng nóng một tuần qua đã làm 61 hecta lúa bị khô cháy, mất trắng; 128 hecta lúa đang thiếu nước tưới. Hơn 1.000 hecta lạc ở thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền bị khô hạn.
Để khắc phục, Sở đã cho nạo vét các kênh mương, chủ động nguồn nước tưới. Sở cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 5 tấn giống rau, 50 tấn giống lạc và 100 tấn lúa giống cùng 90 tỷ đồng kinh phí tiền điện, tiền dầu vượt mức, tu sửa hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng.
Do ảnh hưởng của áp thấp nóng phía tây và hiệu ứng phơn, từ ngày 18/4 đến nay một số tỉnh miền Bắc và hầu khắp miền Trung xảy ra nắng nóng. Trong đó nắng nóng gay gắt (37-40 độ C) tập trung ở các tỉnh từ Nghệ An tới Thừa Thiên Huế. Một số nơi nhiệt độ cao hơn 40 độ C, như: Con Cuông, Tương Dương, Tây Hiếu (Nghệ An) 42 độ, Đô Lương (Nghệ An) 41,5 độ.
Tuyên Hóa (Quảng Bình) nóng 43 độ C (cao hơn mức kỷ lục cũ 41 độ vào năm 2007). Đặc biệt, Hương Khê (Hà Tĩnh) ngày 20/4 nhiệt độ lên hơn 43, cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc ở Việt Nam từ trước đến nay.
Dự báo đến ngày 28/4, nắng nóng ở Trung Bộ mới chấm dứt.
Ban Thời sự