Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, sắp tới nếu vượt thẩm quyền xử lý, tỉnh sẽ trình Thủ tướng ban bố tình trạng thiên tai khẩn cấp.
Theo ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời tiết cực đoan trong những ngày qua như: mưa lớn kèm giông lốc, sóng to, triều cường dâng cao đã làm sạt lở đất nhiều nơi. Trong đó, đoạn đê biển Tây dài 350 m, thuộc tuyến Đá Bạc - Kinh Mới bị sạt lở rất nghiêm trọng.
Ngoài ra, mưa giông còn làm sập 91 căn nhà, tốc mái trên 470 căn. Đặc biệt, triều cường dâng cao bất thường trong ngày 3/8 làm ngập hơn 1.800 căn nhà. Ước tính thiệt hại về tài sản hơn 28 tỷ đồng.
"Các vị trí sạt lở ở đê biển Tây đã được khắc phục, bảo vệ tính mạng và tài sản cho hàng chục nghìn hộ dân sống phía trong đê", ông Nam nói và cho biết, gần 100 người là lực lượng chuyên trách được cử túc trực 24/24 trên tuyến đê này.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp địa phương vẫn lo lắng tình trạng thiệt hại có thể tiếp tục xảy ra, nếu thời tiết tiếp tục xấu trong các ngày tới. Bởi, trên tuyến đê biển Tây hiện nay còn hơn 2 km có thể xảy ra sạt lở, vỡ bất cứ lúc nào.
Tuyến đê phòng hộ ven biển Tây của Cà Mau có vai trò ngăn mặn, bảo vệ sản xuất hệ sinh thái ngọt trực tiếp của hai huyện U Minh và Trần Văn Thời. Nếu vỡ đê, cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân bị ảnh hưởng, gây thiệt hại cho hàng chục nghìn ha lúa đang trong giai đoạn làm đòng.
Hoàng Hạnh