Hai ngày trước, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản gửi các sở ngành và địa phương, yêu cầu khẩn trương định giá tài sản cố định hiện hữu của Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà theo yêu cầu của Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an).
Tại khu vực dự án ở xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên) hiện không còn con bò nào. Chuồng trại để không, xuống cấp, một số máy móc được trùm bạt che kín. Nhiều công nhân cho hay "chỉ muốn được trả lương đầy đủ".
"Xã từng kỳ vọng dự án sẽ giúp địa phương phát triển kinh tế, với thực tế hiện tại ai cũng buồn", ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan nói.
Năm 2015, tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương cho Công ty Bình Hà thực hiện dự án nuôi bò giống và bò thịt trên diện tích hơn 2.000 ha, tại huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án được công bố lúc này là 4.223 tỷ đồng, quy mô 254.000 con bò một năm.
Đến nay Công ty đã xây dựng 65 chuồng trại, hai nhà chứa thức ăn, hai tổng kho, hai nhà điều hành và mua sắm nhiều máy móc, thiết bị.
Bên cạnh đầu tư hạ tầng, đại diện Chi cục thú y Hà Tĩnh cho hay từ tháng 10/2015 đến tháng 6/2018, doanh nghiệp nhập hơn 43.000 con bò thịt và bò nái từ Australia và Gia Lai về nuôi. Mỗi con nặng từ 200-300 kg, giá hơn 20 triệu đồng; mục tiêu sẽ nuôi khoảng 4-5 tháng vỗ béo rồi bán ra thị trường ở Hà Nội.
Bò sau khi vỗ béo nặng khoảng 500 kg, bán giá hơn 30 triệu đồng mỗi con. Cũng theo đại diện Chi cục thú y Hà Tĩnh, trong 4 năm Công ty Bình Hà chỉ bán được 42.000 con bò, việc hao hụt này được giải thích do "bò không thích nghi được với khí hậu nên bị chết".
Về việc không đạt mục tiêu quy mô 254.00 con bò một năm, Công ty Bình Hà lý giải, thị trường trong các năm qua biến động liên tục, giá bò thịt chạm đáy. Mặt khác, vì một số lý do từ các nhà nhập khẩu trong nước nên Bộ Nông nghiệp Australia cấm xuất khẩu bò thịt sang Việt Nam.
Từ tháng 4/2017, công ty ngưng đầu tư xây dựng và đến cuối năm thì phá cỏ, làm đất trồng chuối. Hiện có 210 ha chuối ở hai nông trại Cẩm Xuyên và Kỳ Anh đang đến thời kỳ thu hoạch. Việc chuyển đổi từ trồng cỏ sang trồng chuối được Hà Tĩnh đánh giá là "trái quy định".
Từ sau tết Nguyên đán đến đầu tháng 3, doanh nghiệp xuất được 6 container chuối, thu về 710 triệu đồng. Hôm 10/4, công nhân cho biết, cứ khoảng hai ngày thì xuất được một container chuối, số lượng khoảng 30 tấn.
Nhìn lại 4 năm hoạt động, thời gian đầu dự án được đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, công nhân và lao động thời vụ có thời điểm lên đến hàng nghìn người. Mỗi ngày có vài chục chiếc xe tải tấp nập chở nguyên liệu từ nơi khác về để nuôi bò.
"Giai đoạn đầu, công nhân làm việc suốt ba ca, điện sáng trưng cả một vùng. Cán bộ quản lý hưởng mức lương 5,5 triệu đồng mỗi tháng sau khi trừ tiền ăn. Lao động làm chăm chỉ có lúc đạt hơn 10 triệu một tháng", ông Nguyễn Công Dũng, Trưởng công an xã Cẩm Quan nói.
Nhiều lần vào dự án làm việc theo đoàn giám sát của tỉnh và huyện, Chủ tịch xã Cẩm Quan Trần Quang Trung thông tin, Công ty chỉ hoạt động ổn định trong năm 2016; cuối năm 2017 trên đà đi xuống, xe cộ không còn chạy tấp nập, lượng nhân lực giảm dần.
"Trước kia, mỗi sáng hàng trăm người dân trong xã đùm cơm kéo nhau vào dự án làm việc, nay chỉ còn vài người làm thời vụ, một ngày công khoảng 200.000 đồng" ông Trung nói.
Theo Trưởng công an xã, từ lúc các lãnh đạo công ty vướng lao lý, nhiều cán bộ dự án cũng nghỉ việc. "Tôi có con gái làm quản lý được bốn năm. Vừa rồi trước tình hình khó khăn, cháu đã xin nghỉ vào TP HCM tìm việc khác", ông Dũng chia sẻ.
Hiện Công ty Bình Hà chỉ còn quản lý, sử dụng 166 người. Trong số này có 15 người làm văn phòng, còn lại là công nhân làm việc tại hai nông trại Cẩm Xuyên và Kỳ Anh.
Trong báo cáo gửi tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Phi Long, Phó giám đốc Nông trại Cẩm Xuyên (Công ty Bình Hà) trình bày, đến tháng 3, người lao động vẫn chưa được thanh toán tiền lương ba tháng gần nhất. Giáp Tết, đơn vị đã chuyển ứng 3 triệu đồng lương tháng 12 đợt một cho họ, từ đó đến nay chưa thanh toán thêm.
Với hơn 700 triệu đồng tiền bán chuối, công ty chỉ đủ giải quyết chi phí nợ cũ tiền điện, tiền dầu, tiền ăn... "Thời điểm này, người lao động đã mất niềm tin, không tin tưởng về việc điều hành của ban lãnh đạo", báo cáo nêu.
Trong bối cảnh dự án gặp nhiều khó khăn, từ cuối năm 2018, tại nông trại ở Cẩm Xuyên và Kỳ Anh còn xảy ra tình trạng người dân địa phương vào lấn chiếm đất để trồng keo và sắn. Tổng diện tích đất bị xâm chiếm khoảng 145 ha.
Công an xã Cẩm Quan đã mời nhiều hộ dân lấn chiếm đất lên lập biên bản, yêu cầu họ nhổ hết các cây keo, sắn đã trồng. "Người dân trình bày thấy đất dự án nhiều chỗ bỏ hoang nên trồng cây cho đỡ phí", ông Dũng nói.
Ngày 29/3, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) ra quyết định khởi tố bị can và lệnh khám xét với ông Trần Duy Tùng (34 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Phú) về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, liên quan đến hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà.
Ông Tùng là con trai ông Trần Bắc Hà, người từng nhiều năm làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ông Hà bị bắt vào tháng 11/2018 về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo điều 206 Bộ luật Hình sự 2015.