Chiều 21/3, Phó giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan, cho biết đơn vị đã xây dựng bốn kịch bản chuẩn bị hàng hóa ứng phó với Covid-19 trên địa bàn thủ đô.
Theo đó, kịch bản thứ nhất là 200 người cách ly tại địa bàn một quận (hoặc huyện) và 2.350 người cách ly tại nhà. Hoạt động mua sắm hàng hóa vẫn diễn ra bình thường.
Ở kịch bản thứ hai, 1.000 người bị cách ly tại năm khu vực ở một quận (hoặc huyện) và trên 12.000 người cách ly tại nhà. Khi đó, nhu cầu mua sắm hàng hoá sẽ tăng cao hơn nhưng không có biến động về thị trường.
Kịch bản thứ ba là khi có 20 ca bệnh trở lên trên địa bàn thành phố, các quận, huyện có 10 khu vực cách ly với tổng số 2.000 người, gần 130.000 người cách ly tại nhà. Sở Công Thương Hà Nội nhận định có thể xảy ra thiếu hàng cục bộ do lượng người dân đi mua hàng tăng cao vào một thời điểm. Để đảm bảo cung cấp đủ hàng hoá, Sở sẽ liên tục điều tiết các hệ thống phân phối trong thành phố.
Ở kịch bản cao nhất, có 1.000 ca bệnh trên địa bàn thành phố và tất cả các quận huyện đều có khu cách ly. Mỗi quận, huyện có từ một đến năm khu vực bị cách ly với tổng số 30.000 người và hơn 380.000 người cách ly tại nhà.
Kịch bản bốn cũng đưa ra tình huống một số trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ... phải tạm ngừng hoạt động do nằm trong vùng cách ly. Nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng mạnh trong nhiều ngày, ngoài số hàng hoá trong kho dữ trữ của thành phố, sẽ cần huy động hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác.
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho hay, vừa qua việc cung cấp thực phẩm cho gần 200 nhân khẩu khu vưc cách ly ở phố Trúc Bạch (quận Ba Đình) được thực hiện tốt. Thành phố giao phường Trúc Bạch ký hợp đồng cung ứng nhu yếu phẩm với siêu thị, và thực đơn được thay đổi thường xuyên. "Chúng tôi sẽ nhân rộng cách làm trên khi cần thiết", bà Trần Thị Phương Lan nói.
Cũng theo Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, qua làm việc với lãnh đạo thành phố, các doanh nghiệp cho biết ngoài lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu, các sản phẩm có nhu cầu cao trong dịch bệnh như khẩu trang, nước sát khuẩn, nước đóng chai... đã được dự trữ gấp 300-500% so với bình thường.
"Hàng hoá dự trữ đảm bảo đủ cung ứng cho thị trường Hà Nội trong vòng 2 đến 3 tháng", bà Lan cho hay.
Đánh giá cao sự chủ động của TP Hà Nội trong việc chuẩn bị hàng hóa ứng phó với Covid-19, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát; tránh tình trạng lợi dụng dịch bệnh để sản xuất hàng giả, kém chất lượng, nâng giá vật tư y tế.
Ông Hải cũng đề nghị thành phố có các giải pháp hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối, sản xuất kinh doanh trên địa bàn hiện đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho hay, đây không phải là lần đầu tiên thành phố dự trữ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà đã trở thành việc làm thường xuyên trong các dịp Tết, vào mùa mưa bão.
"Thành phố chủ động để đưa ra các tình huốn, cân đối nguồn ngân sách để đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, đảm bảo cuộc sống ổn định của người dân thủ đô", ông Toản nói.
Hà Nội có 28 đơn vị sản xuất khẩu trang, trong đó 9 đơn vị sản xuất khẩu khẩu trang y tế; 15 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang kháng khuẩn với năng lực sản xuất 7,8 - 13 nghìn chiếc khẩu trang y tế/tháng; 8 triệu chiếc/tháng với khẩu trang vải kháng khuẩn.
Võ Hải