Hội nghị Trung ương 9 (khóa XII) dự kiến diễn ra trong tháng 12 sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư..., và xem xét tờ trình quy hoạch Ban chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết, việc quy hoạch Ban chấp hành Trung ương từ cơ sở gồm 4 bước, trong đó đề cao trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức Đảng.
"Cơ chế, quy trình liên quan đến công việc trên được thực hiện chặt chẽ, bài bản theo kế hoạch của Bộ Chính trị cũng như hướng dẫn liên quan; phát huy tối đa dân chủ, công khai để hạn chế "chạy phiếu bầu, chạy quy hoạch" cũng như các tiêu cực, yếu kém khác", ông Chính nói tại hội nghị trực tuyến của Ngành Tổ chức Xây dựng Đảng mới đây.
Bước đầu tiên của quy trình quy hoạch Ban chấp hành Trung ương là tập thể lãnh đạo (ở địa phương là Ban Thường vụ, ở các Bộ ngành là Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng) tiến hành rà soát, đánh giá từng trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo hướng dẫn. Từ đó, thông qua danh sách dự kiến những người được giới thiệu quy hoạch.
Bước tiếp theo, hội nghị cán bộ chủ chốt của địa phương, cơ quan cho ý kiến về những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện đã thống nhất ở bước đầu tiên. Điểm đặc biệt là hội nghị này có thể giới thiệu người ngoài danh sách chuẩn bị của tập thể lãnh đạo có thẩm quyền. Sau đó, hội nghị bỏ phiếu kín, người được chọn phải đảm bảo có 30% phiếu giới thiệu trở lên, lấy từ cao xuống thấp cho đủ số lượng được phân bổ.
Bước thứ ba, hội nghị lãnh đạo mở rộng xem xét những người đã được hội nghị bước 2 giới thiệu, có thể giới thiệu thêm người ngoài danh sách. Người được chọn là người đạt 50% phiếu giới thiệu trở lên, lấy từ cao xuống thấp theo số lượng được duyệt trước đó của Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026.
Bước cuối cùng là hội nghị tập thể lãnh đạo xem xét danh sách giới thiệu của hội nghị bước 3 và các vấn đề mới nảy sinh.
Hội nghị này tiếp tục bỏ phiếu kín để chốt danh sách trình Ban chỉ đạo phương án giới thiệu quy hoạch Ban chấp hành Trung ương. Nguyên tắc lựa chọn vẫn là đạt trên 50% phiếu giới thiệu, lấy từ trên xuống dưới đến khi đủ số lượng được phân.
Theo ông Vũ Đức Bảo - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, sau khi có hướng dẫn của Trung ương, tập thể Ban thường vụ Thành ủy đã thảo luận rất kỹ đề án và thực hiện nghiêm quy trình.
"Các công việc được tiến hành công khai, dân chủ nên sau khi lấy phiếu đoàn kết, thống nhất, không có điều tiếng. Cũng từ quy định chặt chẽ của Trung ương, Hà Nội cố gắng xây dựng nguồn quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, giúp trẻ hoá Ban chấp hành Trung ương", ông Bảo nhấn mạnh.
Hiện có 86 cơ quan (các bộ, ngành, địa phương) đã hoàn thành việc giới thiệu nhân sự quy hoạch và gửi báo cáo lên Ban chỉ đạo; còn khoảng 20 đơn vị đang gấp rút hoàn thành.
Công việc các bộ, ngành, địa phương... triển khai nêu trên là bước khởi đầu cho quá trình phát hiện, giới thiệu nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Quy hoạch từ cơ sở bao gồm những người lần đầu được giới thiệu vào Trung ương; các ủy viên Trung ương đương nhiệm chưa xem xét trong lần này. Sau khi hoàn tất việc giới thiệu quy hoạch từ cơ sở, cấp có thẩm quyền sẽ tập hợp, trình Bộ chính trị xem xét, cho ý kiến trước khi trình Hội nghị Trung ương 9 (khóa XII).
Ba độ tuổi quy hoạch
Hướng dẫn của Trung ương nêu rõ ba độ tuổi quy hoạch là dưới 55, dưới 50 và dưới 45. Trong đó với độ tuổi dưới 55, người được xem xét đưa vào quy hoạch là bí thư, phó bí thư các tỉnh, thành, thứ trưởng và tương đương... Những cán bộ này phải là nhân sự được quy hoạch vào các chức vụ người đứng đầu nhiệm kỳ 2021-2026, là ủy viên cấp ủy hoặc tổ chức đảng ở cấp mình đang công tác.
Nhân sự dưới 50 tuổi thì chức vụ hiện hành có thể thấp hơn so với nhóm trên, cụ thể như Bí thư huyện ủy, giám đốc sở, ngành và tương đương, thường trực HĐND, thường trực UBND...Đây phải là nhân sự đã được quy hoạch vào chức vụ người đứng đầu bộ, ngành, địa phương.
Nhóm dưới 45 tuổi thì không yêu cầu phải giữ chức vụ hiện hành như hai nhóm trên, nhưng cũng phải nằm trong diện được giới thiệu, quy hoạch vào các chức danh do Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý (Phó bí thư tỉnh ủy, thứ trưởng và tương đương). Đây là diện cán bộ tạo nguồn cho các khóa tiếp theo, có thể tham gia làm nhân sự dự khuyết Trung ương.
Hướng dẫn cũng chỉ rõ các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể cho từng diện cán bộ, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu "không giới thiệu vào Trung ương những cán bộ không có năng lực, phẩm chất, uy tín, tham nhũng, gây mất đoàn kết nội bộ...".