Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/5, báo chí đặt vấn đề rượu bia là chất gây nghiện nhưng lại được tiếp cận quá dễ dàng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia gần đây đã bỏ hai điều khoản quan trọng là quản lý quảng cáo, tiếp thị tràn lan và giới hạn điểm bán, giờ bán.
"Sau những hậu quả nghiêm trọng mà rượu bia gây ra, Chính phủ xem xét thế nào về việc đưa trở lại dự thảo nội dung nói trên?", báo chí đặt câu hỏi.
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường thừa nhận, vấn đề quản lý quảng cáo và giờ bán, điểm bán rượu bia đã được đưa ra khỏi dự thảo cuối cùng sau cuộc họp với Ủy ban về các vấn đề xã hội ở TP HCM. Tuy nhiên, sau khi báo cáo Chính phủ hôm 3/5, Bộ Y tế đã có văn bản gửi cơ quan chức năng của Quốc hội đề nghị giữ lại nội dung nói trên trong dự luật.
"Rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, mà còn gây ra bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục", ông Cường nói.
Theo báo cáo gửi Thủ tướng đầu tháng 5, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị giữ nguyên việc quy định quản lý đối với quảng cáo, khuyến mại cả rượu và bia. Thường trực Ban soạn thảo cho hay, dự luật không cấm quảng cáo, khuyến mại đối với rượu, bia dưới 15 độ cồn mà chỉ hạn chế một số nội dung, phương tiện quảng cáo hướng đến người dưới 18 tuổi, học sinh, sinh viên...
"Việc quản lý đối với quảng cáo cả rượu và bia là cần thiết do chứa cồn gây nghiện, được Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xếp vào nhóm chất gây ung thư, có tác động lên hầu hết cơ quan cơ thể", văn bản của Bộ Y tế nêu.
Cơ quan quản lý nhà nước về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân khẳng định, dù ở nồng độ nào, rượu bia cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến cơ thể. Hơn nữa, khi quy đổi ra nồng độ cồn nguyên chất thì mức độ tác hại là như nhau nên quy định quản lý đối với quảng cáo, khuyến mại rượu, bia cùng nồng độ phải như nhau.
Bên cạnh đó, quy định quản lý quảng cáo, khuyến mại đối với cả rượu và bia phải thống nhất với các luật khác. Hiện Luật quảng cáo và Luật thương mại chưa thống nhất về độ cồn trong sản phẩm rượu. Luật thương mại cấm quảng cáo sản phẩm có độ cồn từ 30 độ trở lên thì Luật quảng cáo cấm sản phẩm có độ cồn từ 15 độ trở lên.
Thường trực Ban soạn thảo giải thích, nếu không quản lý quảng cáo đối với bia thì sẽ không thống nhất với Luật cạnh tranh, phân biệt đối xử và không bảo đảm bình đẳng giữa các hàng hóa có tính chất như nhau. Ngoài ra, không quy định quản lý quảng cáo đối với bia sẽ không bảo đảm mục tiêu của luật là không khuyến khích tiêu dùng và không thể chế hóa theo đúng Nghị quyết của Đảng là giảm tiêu thụ cả rượu, bia và thuốc lá.
Không quản lý quảng cáo, khuyến mại với bia cũng sẽ tạo ra thông điệp cho rằng bia là an toàn, không gây hại nên không cần hạn chế, ảnh hưởng đến truyền thông và nhận thức của người dân, tạo tâm lý chủ quan trong tiêu dùng.
"Đây là một biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất trong phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo và hơn 123 quốc gia quy định đều không có sự phân biệt giữa rượu và bia trong việc quy định các biện pháp quản lý quảng cáo, khuyến mại", Bộ Y tế khẳng định.
Dự thảo luật phòng chống tác hại của rượu bia do Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 6 cuối năm 2018 đề xuất cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân không được thực hiện nội dung quảng cáo có thông tin, hình ảnh uống, thúc đẩy uống rượu, bia; thông tin không chính xác, không có cơ sở khoa học về tác dụng của rượu, bia đối với sức khỏe; thể hiện rượu, bia có tác dụng tạo sự thân thiện, thành đạt, trưởng thành, quyến rũ, hấp dẫn về giới tính; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai.
Dự luật cũng quy định không quảng cáo rượu, bia trong các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên; trên các phương tiện, sản phẩm quảng cáo dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên, phụ nữ mang thai; trên các phương tiện giao thông; trên báo hình, báo nói trong thời gian từ 18h đến 21h hàng ngày; không quảng cáo trong khoảng cách 200 m so với các cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em.
Điều 20 dự luật quy định địa điểm không được bán rượu, bia bao gồm cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người dưới 18 tuổi; nơi làm việc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trừ nơi làm việc là địa điểm bán rượu, bia; trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam; không được bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi; không được bán rượu, bia trên mạng Internet; không được bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.