Chiều 1/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giải trình trên diễn đàn Quốc hội về dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian qua.
Theo bà Tiến, năm nay số người bị sốt xuất huyết tăng 40% so với năm ngoái, nhiều nhất ở phía Nam, nhưng nặng nề nhất là thành phố Hà Nội. Mặc dù quá trình dập dịch của các cơ quan chức năng rất quyết liệt nhưng sốt xuất huyết vẫn kéo dài. Riêng Hà Nội đã cử các tổ giám sát đến tận gia đình, tổ chức phun thuốc thường xuyên nhưng hiệu quả chậm, vì một bộ phận người dân chưa hợp tác.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Y tế đề cập đến biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài, mưa cũng nhiều. Ngoài ra, đây cũng là chu kỳ, khi một thời gian lâu không mắc bệnh nên miễn dịch giảm, số người chưa mắc nhiều nên vừa qua dịch lớn. Các nước trong khu vực dịch cũng kéo dài và người chết thậm chí nhiều hơn Việt Nam.
Bà Tiến cho biết, hiện sốt xuất huyết đã giảm, Hà Nội khống chế thành công, tuy nhiên ngoài sốt xuất huyết thì bệnh tay chân miệng cũng là nguy cơ. "Thời gian tới chúng ta phải đương đầu với nhiều dịch khác, rất khó khăn nên cần phải vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh, nâng cao thể lực là chính", Bộ trưởng Y tế nói.
Kiểm soát lạm dụng dịch vụ y tế
Theo Bộ trưởng, thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ đang điều chỉnh nghị định 105 để đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát lạm dụng, sử dụng dịch vụ y tế quá mức và không hợp lý. Nghị định mới sẽ khoán trần chi phí, thanh kiểm tra định kỳ, xử nghiêm các vi phạm. Đồng thời, ngành sẽ đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở khám chữa bệnh để khống chế tối đa lạm dụng.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, sắp tới Bộ Y tế sẽ xây dựng chương trình hành động theo hướng tăng cường y tế cơ sở gắn với chăm sóc sức khoẻ ban đầu, dự phòng gắn với đổi mới toàn diện đào tạo y khoa, hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, ngành tiếp tục củng cố y tế chuyên sâu tại các bệnh viện với nhiều cơ sở khám chữa bệnh khang trang, kỹ thuật hiện đại, đổi mới thái độ phong cách phục vụ.
"Đến giai đoạn này thì phải là y tế cơ sở, phải là chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phải là sống khoẻ, chất lượng tốt", Bộ trưởng Y tế khẳng định.
Nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế
Bà Tiến cho biết hiện số người tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ cao (82%), vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Theo bà, đến năm 2016, kết dư quỹ bảo hiểm xã hội là 47.000 tỷ đồng. "Kết dư nhiều như vậy tốt hay không? Lẽ ra người dân đóng bảo hiểm y tế phải được hưởng hàng năm, nhưng kết dư nhiều nghĩa là người dân chưa được hưởng dịch vụ tốt, dịch vụ kỹ thuật cao", bà Tiến nói.
Tuy nhiên, theo bà, việc kết dư cũng có điểm tốt là năm 2017 khi điều chỉnh giá dịch vụ về gần giá trị thực (tính đủ chi phí), nếu vượt quá 10.000 tỷ thì có nguồn kết dư bù vào, và nguồn kết dư này dự toán có thể dùng đến hết 3 năm nữa nếu giá dịch vụ y tế duy trì như mức hiện tại.
"Có kết dư thì không vỡ quỹ ngay, nhưng nguy cơ, vì khi hết quỹ kết dư này thì năm nào phải dùng hết năm ấy. Như vậy trong tương lai xa có thể phải điều chỉnh mệnh giá bảo hiểm y tế vì hiện nay thấp", bà Tiến cho hay.
Đăng ký tranh luận với Bộ trưởng Tiến, đại biểu Lê Văn Sỹ cho rằng tình trạng dư quỹ bảo hiểm y tế những năm qua chứng tỏ quỹ vận hành chưa hiệu quả, quyền lợi người bệnh chưa được đảm bảo.
"Người dân vẫn phải chi phí nhiều từ tiền túi cho khám chữa bệnh”, đại biểu Sỹ nói.
Nhận xét đại biểu Sỹ xin tranh luận (thời gian quy định là 3 phút) nhưng thực chất đọc bản phát biểu ý kiến dài đã chuẩn bị sẵn, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhắc nhở và đề nghị ông Sỹ gửi ý kiến về Đoàn thư ký kỳ họp.