Quốc hội dành trọn ngày 25/10 để thảo luận tại hội trường dự án Luật về hội. Cách đây 10 năm, dự án luật này đã được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội, nhưng rồi "xếp lại". Đến lần này, bản dự thảo được đưa ra theo tinh thần Hiến pháp 2013.
Giải trình trước Quốc hội cuối phiên làm việc, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhắc lại mục tiêu quan trọng khi xây dựng luật, đó là Nhà nước đảm bảo và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân lập hội theo quy định của Hiến pháp. Đa phần ý kiến đồng tình cần có Luật về hội để tạo môi trường hoạt động tốt hơn, đảm bảo quyền tự do của người dân.
“Trong luật có 33 điều thì các đại biểu ý kiến về 32 điều. Chúng tôi xin ghi nhận tất cả", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói và cho biết trước nhiều ý kiến khác nhau, Ban soạn thảo xin thêm thời gian nghiên cứu, hoàn chỉnh, trình dự thảo trong kỳ họp sau.
Thảo luận tại hội trường trước đó, nêu thực tế hiện có gần 100 hội, nhóm núp bóng dưới danh nghĩa của các tổ chức xã hội dân sự, câu lạc bộ nghề nghiệp…, đại biểu Bùi Mậu Quân lưu ý, dự luật phải quy định rõ chế tài với các tổ chức, cá nhân lạm dụng, thành lập hội trái phép.
“Nghị định 45 của Chính phủ chỉ điều chỉnh các hội, nhóm thành lập hợp pháp. Đây là một trong những bất cập, đồng thời là kẽ hở lớn của pháp luật mà dự thảo Luật về hội cần điều chỉnh”, ông Bùi Mậu Quân nhấn mạnh và cho rằng “không vì áp lực xã hội mà vội vã thông qua”.
Theo đại biểu Đào Thanh Hải, để đảm bảo việc ngăn ngừa, đấu tranh các hành vi lợi dụng lập hội để trục lợi thì dự luật cần quy định rõ hơn về loại hình hội không đăng ký.
Ông phân tích, hội hoạt động phải có nguồn gốc, khả năng tài chính. Để tránh lợi dụng danh nghĩa của hội để hoạt động phi pháp như rửa tiền, hối lộ, tài trợ khủng bố…, cần quy định người đại diện hội phải chịu trách nhiệm, liên đới trách nhiệm và thực hiện khai báo rõ ràng tài sản hội, nhất là nguồn gốc tài sản đó. Quy định chặt chẽ như vậy, theo ông Hải, sẽ giúp cơ quan quản lý có căn cứ xử lý việc huy động tài chính bất hợp pháp từ nguồn gốc tội phạm.
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, trong lịch sử lập pháp, đây là một trong những đạo luật được “nâng lên đặt xuống nhiều nhất”. “Đứng trước một đạo luật khó thế này, chúng ta vẫn ở trong tâm thế bất ổn, làm luật để phát triển hay giữ sự an toàn”, đại biểu Dương Trung Quốc băn khoăn.
Cho rằng, tỷ lệ hội nằm trong “sổ đen” hiện chiếm rất nhỏ trong tổng số hội, ông Dương Trung Quốc lưu ý, dự luật nên tập trung vào những điều cơ bản nhất để thực hiện quyền lập hội của người dân. Còn an toàn xã hội, đã có nhiều quy định pháp luật khác điều chỉnh.
Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết Uỷ ban thường vụ sẽ báo cáo về dự án luật này trước Quốc hội trong phiên họp tới. “Tinh thần là phải có luật tốt, đảm bảo chất lượng, quyền lập hội của công dân và yêu cầu quản lý nhà nước”, Phó chủ tịch nhấn mạnh.
Đại biểu giơ biển xin tranh luận Trong phiên thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình đồng tình việc dự thảo Luật không áp dụng với 6 tổ chức chính trị xã hội là MTTQ Việt Nam, Công đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản HCM, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam và Hội cựu chiến binh Việt Nam. Ông Bình cũng đề nghị không đưa Hội sinh viên, Hội liên hiệp thanh niên VN vào đối tượng điều chỉnh của Luật, do đây là các "cánh tay nối dài" của Đoàn thanh niên. Không đồng tình, thay vì bấm nút điện tử để đăng ký phát biểu bình thường, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng giơ biển xin tranh luận. Theo ông Nhưỡng, với một đạo luật về hội thì nên đưa các tổ chức vào, "đây lại cứ đòi đưa ra, tôi thấy kỳ lạ, còn các tổ chức khác như Liên đoàn luật sư thì có đưa ra không, đề nghị ban soạn thảo làm rõ". Quốc hội đã cho làm các tấm biển, ghi rõ số ghế ngồi của đại biểu, để khi đại biểu giơ lên chủ toạ ngồi trên nhận biết được ở dưới có đại biểu đang xin tranh luận với đại biểu khác. |