Bên hành lang Quốc hội chiều 22/5, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã trao đổi với báo chí xung quanh việc các trạm thu phí BOT được đổi tên thành "trạm thu giá" trong thời gian qua.
"Việc chuyển đổi này dựa trên quy định của Chính phủ. BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá; còn phí thì mang tính chất Nhà nước", ông Thể nói.
Bộ trưởng Giao thông trả lời về việc chuyển từ "thu phí" sang "thu giá"
Theo Bộ trưởng Giao thông, việc thu phí thuộc thẩm quyền của HĐND địa phương và bộ ngành liên quan, do đó trước đây khi muốn điều chỉnh phí BOT thì rất khó khăn và chậm, do phải thông qua các cơ quan đó. Khi chuyển sang "thu giá", về bản chất lợi ích nhà đầu tư thu được vẫn như trước, nhưng việc điều chỉnh sẽ nhanh chóng hơn để đáp ứng điều kiện từng trạm thu tuỳ theo vị trí, khu vực; thậm chí có thể giảm giá để cân đối phương án tài chính.
"Việc đổi tên này không có gì khác mà chỉ là linh động hơn", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ giao thông cũng khẳng định, sau khi chuyển đổi từ phí sang giá BOT, mức giá này sẽ căn cứ theo quy luật thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước để đảm bảo hài hoà lợi ích người dân, doanh nghiệp. Nghĩa là, "sản phẩm BOT" do doanh nghiệp làm ra, nhưng không phải doanh nghiệp muốn quyết giá bao nhiêu cũng được mà sẽ ký hợp đồng với Bộ Giao thông Vận tải; Bộ có trách nhiệm giám sát quá trình thu giá, vì vậy có những trạm BOT đã giảm từ 35.000 đồng mỗi lượt xuống còn 15.000 đồng.
Trường hợp doanh nghiệp muốn tăng giá thì phải đăng ký với Bộ, sau khi xem xét, nếu thấy hài hoà lợi ích, đảm bảo chi phí xã hội thấp nhất thì cơ quan quản lý Nhà nước mới cho phép điều chỉnh. Hiện trạm thu giá BOT nào có điều kiện giảm giá, Bộ Giao thông đều cố gắng giảm tới mức thấp nhất để hỗ trợ chi phí cho người dân.
"Sản phẩm nào cũng phải đem lại hiệu quả kinh doanh, dự án BOT do doanh nghiệp bỏ vốn toàn bộ thì cũng cần có phương án hoàn vốn. Trường hợp này Nhà nước cố gắng điều chỉnh thấp nhất, tạo điều kiện cho xã hội", ông nói thêm.
Chia sẻ trước đó, ông Đỗ Văn Quốc – Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, trước đây các dự án BOT giao thông được quản lý theo hình thức thu phí. Bộ Tài chính có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng với từng dự án.
Theo quy định Luật phí và lệ phí, từ 1/1/2017 phí đường bộ sẽ được chuyển sang giá dịch vụ sử dụng đường bộ, khung giá và giá tối đa do Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh quy định. Bộ Giao thông có thẩm quyền ban hành mức giá trần dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ Giao thông quản lý, còn UBND cấp tỉnh quy định giá với đường địa phương.
Mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án được Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án trên nguyên tắc không vượt mức giá tối đa.
Anh Minh