Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa gửi công văn yêu cầu các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chỉ đạo đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ kết quả quan trắc hiện trạng chất lượng môi trường biển.
Văn bản nêu rõ, hàm lương các chất ô nhiễm trong môi trường biển từ sự cố do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra đã giảm theo thời gian. Ngày 22/8/2016, Bộ Tài nguyên công bố hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, theo đó diễn biến tồn lưu trong màng bám hệ keo sắt tại các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định đối với bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản…
Tại thời điểm công bố vào tháng 8/2016, vẫn còn 3 khu vực chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, có một số thông số trong nước biển cao hơn khu vực khác gồm Sơn Dương (Hà Tĩnh), Nhật Lệ (Quảng Bình), Sơn Chà (Thừa Thiên – Huế).
Tới tháng 9, Bộ Tài nguyên và Môi trường có đánh giá bổ sung, kết quả cho thấy nước biển, trầm tích đáy ở những khu vực này ổn định, không còn các giá trị cao hơn các nơi khác. Các hoạt động đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải ản, du lịch, tắm biển có thể tiến hành bình thường.
Từ những kết quả này, Bộ đề nghị 4 tỉnh trên kịp thời thông tin tới các đia phương, chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện chế độ báo cáo định kỳ kết quả quan trắc về Tổng cục Môi trường để công bố trên các phương tiện truyền thông.
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn vào tháng 4 từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Cuối tháng 6/2016, Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận xả chất thải chưa qua xử lý ra biển làm hải sản chết hàng loạt và bồi thường 500 triệu USD.
Đức Hùng