Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành.
Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo này là đề xuất hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính; hợp nhất Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị.
Trong dự thảo tờ trình về nội dung trên, Bộ Nội vụ cho hay chức năng của Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư có mối quan hệ liên thông với nhau, nhất là trong lĩnh vực quản lý tài chính và bố trí cân đối các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, việc hợp nhất sẽ bảo đảm phù hợp với nguyên tắc tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Ngoài ra, việc hợp nhất 2 Sở sẽ tạo điều kiện để tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách và một số lĩnh vực liên quan được hiệu quả hơn; bảo đảm quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được gắn với khả năng cân đối nguồn lực về tài chính.
Cũng theo Bộ Nội vụ, việc hợp nhất sẽ hạn chế tối đa các giao thoa về nhiệm vụ giữa 2 Sở này kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ Chính phủ.
Đối với việc hợp nhất Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị, Bộ Nội vụ cho rằng sự hình thành, phát triển các không gian đô thị hiện đại không thể tách rời giữa quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch hạ tầng giao thông, nhất là khi Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các dự án theo các hình thức đầu tư công - tư (BOT, PPP...)
Theo Bộ Nội vụ, tổ chức một cơ quan quản lý thống nhất hai lĩnh vực này sẽ bảo đảm nâng cao tính hiệu quả, khắc phục những bất cập trong quản lý hạ tầng đô thị (xây dựng nhà, cấp, thoát nước đô thị thuộc ngành xây dựng) và hạ tầng giao thông (xây dựng đường thuộc ngành giao thông).
Tại Hà Nội và TP HCM, Bộ Nội vụ đề xuất giải thể Sở Quy hoạch - Kiến trúc, chuyển chức năng tham mưu quản lý nhà nước về quy hoạch và kiến trúc về Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị.
Lý do của đề xuất này là quá trình đô thị hóa đặt ra yêu cầu tham mưu quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc là vấn đề chung đối với các tỉnh, thành, không chỉ riêng đối với Hà Nội và TP HCM.
Qua tổng hợp ý kiến ban đầu của một số bộ ngành, địa phương cho thấy quan điểm khác nhau trước đề xuất nêu trên. Bên cạnh nhóm quan điểm đồng ý, cũng có nhiều ý kiến đề nghị không hợp nhất các sở vì đây đều là những đơn vị "quá lớn và quan trọng tại địa phương".
Trao đổi với VnExpress, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết thống nhất việc hợp nhất 4 sở thành 2 sở mà Bộ Nội vụ đưa ra.
Theo ông Nguyễn Hữu Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Nam, đề xuất sáp nhập này đã bám sát chủ trương tinh gọn tổ chức, tinh giảm biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ. “Các sở này sáp nhập không ảnh hưởng đến việc thực hiện các thủ tục hành chính. Bởi vì chủ trương sáp nhập chính là góp phần cải cách hành chính”, ông Sáng nói.
Về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, ông Nguyễn Văn Độ (Giám đốc Sở) cho biết vừa có công văn nêu quan điểm không đồng ý sáp nhập. Dù ủng hộ tinh thần cải cách hành chính và tinh giảm biên chế, nhưng ông Độ cho rằng để hợp nhất các sở nêu trên thì Bộ nội vụ cần có lộ trình, xây dựng đề án kỹ lưỡng, nhất là cần lấy ý kiến của những đơn vị sẽ chịu tác động trực tiếp.
Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở Giao thông Nghệ An, cũng nêu quan điểm cá nhân là không tán thành đề xuất hợp nhất Sở Giao thông với Sở Xây dựng. "Hai Sở này có chức năng và nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau", ông Kỳ nói.
Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An Hoàng Trọng Kim thì nêu vấn đề, tại sao đề xuất sáp nhập một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thuộc hệ thống ngành dọc, trong khi phía trên các bộ chủ quản chưa thấy có phương án hợp nhất.
"Trên chưa làm mà lại thực hiện trước với dưới là chưa hợp lý. Nếu Bộ mà hợp nhất được thì Sở sẽ sáp nhập", ông Kim nói.
Hoàng Thùy - Hải Bình - Sơn Thủy