Yêu cầu trên được Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói khi kết luận buổi làm việc với Huyện ủy Hóc Môn về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, sáng 8/6. Trước đó, sau khi đánh giá thực tế địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất xây dựng đề án định hướng Hóc Môn lên thành phố trực thuộc TP HCM.
Người đứng đầu Đảng bộ TP HCM đánh giá đề xuất định hướng lên thành phố trước 2030 của Hóc Môn là "đáng hoan nghênh và chính đáng". Tuy nhiên, theo ông muốn đi xa, đi nhanh thì trước mắt, địa phương cần giải quyết hàng loạt vấn đề còn tồn đọng trước khi tiến đến giai đoạn xa hơn.
"Huyện cứ tiếp tục các công việc theo đề án xây dựng Hóc Môn trở thành quận, còn sau đó phát triển thế nào, thành phố sẽ tính", ông Nên nói và yêu cầu địa phương này đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng khu phố xanh - sạch - đẹp, phát triển du lịch...
Trong kế hoạch đưa các huyện thành quận (hoặc lên thành phố thuộc TP HCM), dựa vào dân số, diện tích, phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị..., Hóc Môn được Sở Nội vụ xếp thứ tư (đạt 22/30 tiêu chí) trong 5 huyện muốn lên quận hay thành phố, xếp sau Bình Chánh (26/30), Nhà Bè và Củ Chi (đều 23/30), chỉ trên Cần Giờ (19/30).
Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức nói các địa phương cần bám sát tiêu chí để đưa ra lộ trình nâng huyện lên quận hoặc thành phố. Việc này nhằm giải quyết cho được các vấn đề tồn tại trên địa bàn, tránh công bố sớm nhưng thời gian lên quận hoặc thành phố kéo dài. "Hậu quả là đất tăng giá nhưng chất lượng cuộc sống người dân không tăng", ông nói.
Trước đó, Phó bí thư huyện Hóc Môn Nguyễn Anh Tuấn đề xuất Thành uỷ TP HCM chấp thuận chủ trương xây dựng Đề án đầu tư - xây dựng huyện Hóc Môn thành thành phố trực thuộc TP HCM giai đoạn 2021-2030.
Lãnh đạo Hóc Môn lý giải việc điều chỉnh định hướng từ lên quận sang thành phố vì địa phương còn nhiều vùng nông thôn không thể chuyển thành đô thị. Việc lên thành phố cũng có các tiêu chí dễ đáp ứng hơn so với lên quận.
Đồng thời, địa phương đang đô thị hóa nhanh, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu lao động với hơn 94%. Cơ cấu kinh tế của huyện đang chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp.
Mặt khác, các điều kiện tự nhiên, quy mô dân số và hạ tầng, giao thông, văn hóa giáo dục của huyện gần như tương đồng các quận lân cận như 12, Gò Vấp và Bình Tân. Địa phương này cho rằng việc lên thành phố phù hợp xu thế phát triển đô thị chung của TP HCM, định hướng phát triển theo hướng sinh thái, văn minh, hiện đại phía Tây Bắc.
Hóc Môn là huyện ngoại thành nằm ở cửa ngõ Tây Bắc TP HCM, diện tích hơn 109 km2 với gần 600.000 dân, gồm một thị trấn và 11 xã. Cùng với Hóc Môn, 4 huyện ngoại thành còn lại là Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè cũng có định hướng lên thành phố trước năm 2030.
Thu Hằng