Ngày 14/12, tại kỳ họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Báu Hà (Bí thư huyện Nghi Xuân) đã nêu ý kiến việc thời gian qua người dân trên địa bàn liên tục chặn cầu Bến Thủy I, để phản đối việc thu phí BOT.
Theo ông Hà, đây là một vấn đề nóng, hai trạm thu phí Bến Thủy thu phí cho 5 công trình BOT gồm: Đường tránh TP Vinh, cầu vượt quốc lộ 48, cầu Xuân Yên, cầu vượt Bến Thủy II và đường nối từ cầu Bến thủy II đến đường tránh TP Hà Tĩnh; trong đó có 3 công trình nằm trên đất Nghệ An.
"Người dân hai bên cầu Bến Thủy I không đi qua bất cứ công trình BOT nào, nhưng vẫn phải trả phí mỗi khi qua cầu", ông Hà nói.
Bí thư Nghi Xuân cho rằng, việc người dân tập trung phản đối, gây áp lực với đại diện đơn vị thu phí khiến huyện gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông. "Song người dân phản đối đúng, họ yêu cầu quyền lợi chính đáng mà cấp ủy, chính quyền có trách nhiệm phải bảo vệ", ông Hà bày tỏ quan điểm và cho rằng việc thu phí ở trạm Bến Thủy I là trái quy định pháp luật về về phí và lệ phí.
Ông này đưa ra ví dụ, người dân ở huyện Nghi Xuân và TP Vinh (ở hai bên cầu Bến Thủy) có ôtô qua lại cầu này để học tập, lao động, kinh doanh, không sử dụng đến các công trình BOT liên quan nhưng vẫn phải trả phí. Hay là cán bộ, công chức địa phương, lương chỉ vài triệu nhưng phải trả tiền phí qua cầu mỗi tháng 1,2 triệu đồng thì rất khó khăn.
Ông Trần Báu Hà cho rằng "thu phí ở trạm Bến Thủy I là trái Pháp lệnh phí và lệ phí". Ảnh: Báo Hà Tĩnh |
"Người dân huyện Nghi Xuân đi khám bệnh ở TP Vinh, tiền taxi chỉ hết khoảng 40 nghìn đồng, nhưng phải trả thêm 80 nghìn đồng tiền phí nữa, trong khi đó họ không sử dụng bất cứ mét đường BOT nào, như vậy thì làm sao không bất bình và búc xúc cho được", ông Hà phát biểu.
Ông Trần Báu Hà cũng lập luận rằng cầu Bến Thủy I đã thu phí từ năm 1990, tới nay đã 26 năm. Việc sửa chữa, duy tu và bảo dưỡng đã được người dân đóng phí bảo trì hàng năm, do vậy thu phí BOT là không hợp lý.
Bí thư huyện Nghi Xuân đề nghị HĐND tỉnh kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và công ty Cienco 4 để trả lời người dân địa phương vấn đề nêu trên một cách đầy đủ, thấu đáo. Đồng thời, các bên liên quan nên miễn mua vé cho người dân địa phương có phương tiện hàng ngày phải đi qua cầu; nghiên cứu di dời địa điểm thu phí cầu Bến Thủy I, đặt trên tuyến đường BOT để đảm bảo hợp lý và công bằng.
Trước kiến nghị của đại diện huyện Nghi Xuân, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho rằng đây là trách nhiệm của UBND tỉnh Hà Tĩnh, vì vậy tỉnh sẽ khẩn trương làm việc với Bộ Giao thông để giải quyết vấn đề.
Từ ngày 3 đến 11/12, mỗi ngày có khoảng 20 đến 100 ôtô của cá nhân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức trên địa bàn huyện Nghi Xuân tập trung ở cầu Bến Thủy I phản đối việc thu phí BOT. Cảnh sát hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh túc trực để vận động người dân, điều tiết giao thông.
Theo một lãnh đạo Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4), công ty sẽ trình Bộ Giao thông phương án hỗ trợ vé tháng, quý cho nhân dân hai đầu cầu Bến Thủy như trước đây.
Trong đợt tăng giá vé từ 1/1, chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh (thuộc Cienco 4) áp dụng chính sách giảm giá vé tháng và quý cho những hộ dân sống lân cận cầu Bến Thủy. Tuy nhiên, việc giảm giá không được áp dụng từ 1/12. |
Xem thêm:
>> Người dân lại chặn cầu Bến Thủy phản đối thu phí BOT
>> Sau 5 ngày dân chặn cầu, chủ đầu tư BOT Bến Thủy trình giải pháp giảm phí
Đức Hùng