Ngày 6/11, Chính phủ ban hành Nghị quyết về đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).
Về thanh toán BHYT cho các bệnh viện, nghị quyết nêu rõ tiền khám bệnh, tiền giường và dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm, máu, chế phẩm máu đã được sử dụng cho người bệnh trong phạm vi và mức hưởng của người tham gia BHYT, sẽ được thanh toán theo số lượng thực tế.
Chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế chưa được tính trong giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT hoặc sử dụng trong các kỹ thuật chưa được ban hành giá BHYT, sẽ thanh toán theo số lượng thực tế và giá mua theo quy định về đấu thầu.
Chính phủ cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất; thời gian thực hiện theo hợp đồng đã ký trước 5/11/2022 hoặc không quá 12 tháng kể từ ngày này.
Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hạn chế làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị, địa phương; bảo vệ tổ chức, cá nhân không tiêu cực trong mua sắm, đấu thầu, nghị quyết nêu rõ.
Chính phủ yêu cầu các bộ Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính khẩn trương sửa hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa quy định về mua sắm, đấu thầu; sản xuất, nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế. Mục tiêu là xử lý nhanh nhất vướng mắc, tạo điều kiện cho các đơn vị mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Nếu cần áp dụng thủ tục rút gọn, các bộ báo cáo Thủ tướng xem xét.
Bộ Y tế và Tư pháp chuẩn bị đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, trong đó đơn giản thủ tục cấp phép, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc. Quy định về đấu thầu trang thiết bị y tế và thuốc tại bệnh viện công lập, cũng được sửa.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa quy định, khuyến khích mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế mà khi sử dụng có thể dùng nhiều loại sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế. Bộ Tài chính sửa văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công và dùng vốn nhà nước để mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.
Theo Bộ Y tế, giữa năm 2022, toàn quốc có 28/34 sở y tế và 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo thiếu thuốc, gồm kháng sinh, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết... 26/34 sở y tế và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. 14/34 sở y tế và 8/21 bệnh viện tuyến trung ương có tình trạng thiếu thiết bị y tế.
Giải trình trước Quốc hội ngày 27/10, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phản ánh, nhiều bệnh viện đang trở thành con nợ do chi phí khám chữa bệnh bỏ ra chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán. Nguyên nhân chậm thanh toán BHYT là vướng mắc liên quan Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định 146. Một số nội dung quy định chưa thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến khó khăn khi áp dụng tổng mức thanh toán của BHYT.
"Không được thanh toán là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh viện gặp khó khăn trong mua sắm, đấu thầu", bà Lan nói.
Để tháo gỡ, Chính phủ đã giao Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu sửa Nghị định 146. Hiện dự thảo được Bộ Tư pháp thẩm định.