Wipha - cơn bão thứ ba ở biển Đông - hầu như ít di chuyển trong tám giờ qua, sức gió mạnh nhất lúc 12h hôm nay khoảng 90 km/h (cấp 9). Trạm quan trắc đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đã ghi nhận gió cấp 7 (60 km/h). Các tỉnh ven biển, đồng bằng Bắc Bộ sau một ngày trời âm u, mưa to từng đợt, đến sáng nay đã ngớt mưa.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, trong 12 giờ tới, bão theo hướng tây, tốc độ 5-10 km mỗi giờ. Đến 22h đêm nay, tâm bão vào Quảng Ninh, Hải Phòng với sức gió mạnh nhất 75 km/h, sau đó đi sâu vào đồng bằng Bắc Bộ, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
So với dự báo chiều qua của cơ quan khí tượng Việt Nam, hướng di chuyển của bão chếch xuống phía nam nhiều hơn, thời gian đổ bộ chậm hơn 4-5 tiếng.
Trong khi đó đài Hong Kong, Nhật Bản dự báo bão đổ bộ Quảng Ninh, Hải Phòng vào nửa đêm 2/8, rạng sáng 3/8 với sức gió 75 km/h, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi sâu vào các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.
Đài TSR (Đại học London) và đài Hải quân Mỹ lại cho rằng bão suy yếu ngay trên khu vực biển Hải Phòng - Thái Bình.
Các đài quốc tế không dự báo lượng mưa do bão. Cơ quan khí tượng Việt Nam tiếp tục nhận định từ chiều tối nay đến ngày 4/8, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to, phổ biến 100-300 mm/đợt, riêng khu Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa 200-400 mm/đợt.
Khu vực Hà Nội từ chiều và đêm nay có mưa to, lượng mưa 100-200 mm/đợt, có nơi trên 250 mm, từ tối nay có gió mạnh dần lên cấp 5, giật cấp 6-7.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai sáng 2/8, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá bão không lớn, nhưng có khả năng gây mưa diện rộng. Các địa phương không được chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập; không cho người dân trở lại thuyền, bè, chòi canh...
Do tổng mức thiết kế thoát lũ của Hà Nội chỉ 120 mm/giờ trong khi dự báo Hà Nội sẽ có mưa tối đa 200 mm, nên thứ trưởng Hiệp đã yêu cầu Ban chỉ đạo cử đoàn công tác phối hợp với TP Hà Nội kiểm tra các công trình bơm tiêu thoát trong ngày 2/8.
Các tỉnh thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã cấm biển trong ngày 1/8, sơ tán lao động trên chòi canh nuôi trồng thủy sản, khách du lịch. Hiện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) còn trên 300 khách du lịch. Ban chỉ đạo đã yêu cầu các lực lượng chức năng tỉnh đảm bảo an toàn cho số du khách trên.
Wipha được hình thành từ vùng áp thấp ở bắc biển Đông ngày 29/7, đến 30/7 mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và một ngày sau thì thành bão - cơn bão thứ ba hoạt động ở biển Đông trong năm 2019.
Năm 2019, biển Đông được dự báo xuất hiện khoảng 9-11 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.
Võ Hải