7h sáng, dù bão Mirinae đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, song Hà Nội vẫn mưa to, gió xoay chiều liên tục. Đường Trần Xuân Bảng, đoạn qua bán đảo Linh Đàm, rất nhiều xe máy không thể di chuyển, ôtô phải giảm tốc độ.
"Gió quật mạnh, nhiều người loạng choạng ngã ra đường, tôi và nhiều người khác phải táp xe vào lề và cho nằm xuống. Bản thân phải ngồi thụp xuống đường", anh Lê Văn Thủy thông tin. Vì gió bão nên quãng đường 25 km từ nhà ở Bắc Từ Liêm đến huyện Thanh Trì của anh cũng lâu hơn, mất 1,5 tiếng rưỡi.
Trước khi suy yếu, bão với sức gió giật cấp 6-7 đã quật đổ hàng loạt cây xanh ở thủ đô. Tại quận Cầu Giấy, khắp các tuyến đường Tô Hiệu, Trần Quốc Hoàn, Trần Đăng Ninh..., đều có cây đổ chắn ngang đường, công an phải hướng dẫn người dân đi vòng.
Đang kiểm tra trên phố, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, thông tin gió mạnh nên cây xanh Hà Nội bị đổ, gẫy cành khá nhiều. Đơn vị đang thống kê thiệt hại, cưa cắt cây đổ chắn ngang đường để không ảnh hưởng giao thông.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai thủ đô, tại nhà ông Đặng Văn Đáng, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, khoảng 15h chiều qua, bức tường lan can tầng 2 đổ đè vào nhà làm một người chết, 5 người bị thương.
Video: Hà Nội ngổn ngang sau bão
Tại Thái Bình, toàn tỉnh mất điện từ 0h đêm qua đến 10 sáng nay chưa thể khắc phục. Mưa to khiến nhiều tuyến phố bị ngập, cây đổ gãy gây ách tắc giao thông; nhiều biển quảng cáo, mái tôn bị gió thổi bay. 3 huyện Kiến Xương, Thái Thụy, Tiền Hải và TP Thái Bình bị thiệt hại nặng nhất do bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên cho biết, bão vào các huyện ven biển lúc 18h chiều qua, sau đó đi sâu vào đất liền và đến 4h30 sáng nay mới tan. Thống kê ban đầu của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, có 2 người bị thương do bão.
Toàn tỉnh có 5.000 ha lúa bị ngập úng nguy cơ phải cấy lại, 8.000 ha cây hoa màu hè thu bị hư hỏng, 7.000 ha cây ăn quả bị bẻ gãy, 6.500 ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn và 3.000 ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt bị ảnh hưởng. Riêng TP Thái Bình có gần 9.000 cây đổ, trong đó nhiều cây cổ thụ đường kính 60-70 cm; 25 nhà bị tốc mái.
Ở huyện Thái Thụy, bão đã khiến một số công trình công cộng và nhà dân bị tốc mái, 11 cột điện cao thế bị đổ, hơn 4.000 ha lúa mùa bị ngập úng và 400 ha cây màu hè thu bị thiệt hại.
Ninh Bình từ đêm qua đến rạng sáng nay liên tục mưa to, gió lớn. Gió cấp 9 đã quật ngã hàng trăm cây xanh, cột điện, mái tôn, tường rào nhà dân. Đến 8h sáng nay mưa và gió đã giảm dần, người dân bắt đầu đổ ra đường, một số người dọn dẹp nhà cửa sau bão. Hiện tỉnh vẫn mất điện do mạng điện gặp sự cố trong bão.
Tại TP Ninh Bình, đường Đinh Tất Miễn giao Trần Hưng Đạo bị cây xanh chắn ngang nên cảnh sát giao thông phải hướng dẫn người dân đi vòng. Một số tuyến đường lớn như Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Lê Đại Hành, Tràng An… đều ngập nước, có những đoạn nước cao tới nửa mét. Hàng chục công nhân vệ sinh môi trường được tăng cường cùng máy cắt, máy cẩu để dọn dẹp sau bão.
Ông Đinh Chung Phụng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện chưa chưa ghi nhận thiệt hại về người, các tàu bè trên biển đều an toàn. "Tỉnh đang kiểm tra, kiểm đếm thiệt hại tài sản của dân. Hiện tại cây cối đổ nhiều, một số nhà dân bị tốc mái nhưng chưa có số liệu cụ thể”, ông Phụng nói.
Ông Bùi Sỹ Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp Nam Định cho biết, mưa to từ đêm qua đến sáng nay đã ngớt. Tính toán sơ bộ có 74.000 ha trong tổng số hơn 77.000 ha lúa bị ngập úng. Hệ thống mạng điện bị đổ gẫy chưa khôi phục dẫn đến toàn tỉnh vẫn mất điện.
Hai huyện Nam Trực và Trực Ninh có nhiều thiệt hại nhất khi phải hứng chịu lượng mưa trên 250 mm. Địa phương đang khắc phục và thống kê thiệt hại sau bão.
TP Hải Phòng dù không có thiệt hại về người, nhưng bão Mirinea gây mưa to, gió lớn từ lúc 23h giờ đêm qua và kéo dài 3 tiếng liên tục làm hàng trăm cây xanh, trong đó có nhiều cây cổ thụ bật gốc. 2 cây cột điện bị đổ và hàng trăm tấm biển quảng cáo bị hư hỏng
Nhiều diện tích hoa màu của người làng hoa Đằng Hải (An Dương), cây ăn quả bị tàn phá nghiêm trọng. Hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản tại huyện đảo Cát Hải, Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Đồ Sơn, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo bị ảnh hưởng…
Chi cục Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Nam cho biết, đến 9h sáng 28/7, diện tích lúa bị ngập trắng gần 13.000, gần 3.000 ha hoa màu bị đổ gãy và dập nát. Bão cũng khiến một nhà cấp 4 bị đổ sập tại xã Liêm Chính, TP Phủ Lý; 967 nhà cấp 4 lợp tôn bị tốc mái, 275 cột điện bị đổ. Ngoài ra, có tới hơn 9.000 cây xanh, cây ăn quả bị đổ, 2 con bò sữa bị chết và nhiều biển hiệu quảng cáo bị rơi vỡ…
Rạng sáng nay, bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã cứu được 7 ngư dân gặp nạn khi tàu cá đang tìm nơi tránh trú bão. Ngoài ra, đêm 27/7 đôi tàu đánh cá công suất 440 CV của anh Nguyễn Văn Giang (33 tuổi, ở phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) trên đường vào đất liền tránh trú bão, khi cách đông đảo Mê 3,5 hải lý thì một tàu bị hỏng máy, chìm. 5 trong số 6 ngư dân được cứu sống, còn ngư dân Phạm Văn Cường (31 tuổi) vẫn mất tích. Con tàu còn lại chạy được vài hải lý cũng bị hỏng máy, có nguy cơ chìm.
Nhận được tín hiệu cấp cứu, biên phòng Thanh Hóa đã điều động tàu Nghi Sơn 01 cùng 7 chiến sĩ đến cứu. Đến hơn 1h sáng nay, lực lượng cứu hộ đã đưa được 7 thuyền viên và lai dắt thành công tàu vào bờ an toàn. Công tác tìm kiếm ngư dân Phạm Văn Cường đang được tiếp tục.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, từ 22h đêm qua bão đã đi vào 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình, gây gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-13. Các nơi khác ở ven biển và đồng bằng Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-10; ở Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7.
Đến khoảng 4h sáng 28/7, sau khi đi vào nam đồng bằng Bắc Bộ, gồm cả Hà Nội, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và sau đó là vùng áp thấp. 11h ngày 28/7, trung tâm vùng áp thấp ở trên đất liền các tỉnh Bắc Bộ, sức gió giảm xuống dưới 40 km/h (dưới cấp 6).
Trong 12 giờ tới, vùng áp thấp theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km, tiếp tục suy yếu và tan dần. Hoàn lưu áp thấp gây mưa to ở Bắc Bộ và Thanh Hóa. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 300 mm.
Nhóm phóng viên